Cặp vợ chồng ma mãnh

ANTĐ - Biết Mai chỉ có thể đưa được người ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp, song một số cá nhân vẫn chấp nhận. Chỉ đến khi bị trục xuất về nước họ mới cay đắng nhận ra tiền mất tật mang.

Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng đồng phạm tại tòa

Hôm qua 24-6, VKSND TP Hà Nội đã truy tố ra trước cơ quan xét xử cùng cấp đối với Nguyễn Thị Tuyết Mai (tức Nguyễn Dịu Hương, SN 1982, trú ở phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, theo Điều 175-BLHS. Đồng phạm của nữ bị cáo này là Trịnh Văn Hồng (SN 1985, chồng Mai), cùng trú tại phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm và Đỗ Mạnh Quyền (SN 1970), ở xã Cao An, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Trước tòa, Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng đồng bọn khai nhận tháng 8-2011, đối tượng cùng chồng là Trịnh Văn Hồng thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ RoDon, do bà Đỗ Thị Kim Dung (mẹ đẻ Mai) làm giám đốc. Trong một lần lên mạng Internet, Mai quen biết một người đàn ông Hàn Quốc làm việc tại một trường học. Qua trao đổi, đối tượng biết cơ quan ông này thường tổ chức các tour du lịch và hội thảo về ẩm thực. Nhận thấy đây là “cơ hội” để có thể đưa được người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp nên đối tượng đã bàn với bố dượng là Đỗ Văn Việt cùng tìm người có nhu cầu xuất khẩu lao động nhằm hưởng lợi. Thống nhất cách thức làm ăn với con riêng của vợ, Việt lôi kéo Đỗ Mạnh Quyền cùng nhập cuộc. Theo kế hoạch của Mai và đồng phạm, đối tượng sẽ lo mọi thủ tục nhập cảnh và chuẩn bị chỗ ăn ở tạm thời bên nước bạn, còn Việt và Quyền thì tập hợp hồ sơ của những người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc với chi phí 6.500 USD/người. 

Với thủ đoạn này, Quyền đã nhanh chóng “dụ” được 3 người ở Hải Dương, Bắc Giang nộp hồ sơ và tiền để được sang Hàn Quốc làm việc. Thu được tiền, Quyền lập tức chuyển phần lớn số tiền ấy (17.500 USD) cho Việt và sau đó Mai là người nhận cuối cùng từ tay bố dượng. Để những người này ra được nước ngoài, Mai kết nối với người đàn ông Hàn Quốc nêu trên để có giấy mời sang tham dự cuộc hội thảo nấu ăn trong một tuần. Tuy nhiên, do Mai không bố trí được việc xuất ngoại theo đúng thời gian cam kết nên cả 3 khách hàng đều đồng loạt muốn hủy kế hoạch và đòi lại tiền. Hòng “giữ chân” khách hàng, Mai nại ra lý do đã chuyển tiền cho đối tác đồng thời bảo chồng làm visa giả cho những người đã nộp hồ sơ. Do không tin tưởng Mai cùng đồng bọn nên 1 trong 3 người có nhu cầu sang Hàn Quốc đã quyết định hủy chuyến đi. Bên cạnh đó, do mâu thuẫn nảy sinh nên Việt bỏ cuộc, đồng thời giới thiệu để Mai và Quyền trực tiếp phối hợp với nhau. 

Trong thời gian chờ đối tác Hàn Quốc lo thủ tục, Mai và Quyền tiếp tục dụ dỗ thêm được 2 khách hàng nữa và đã thu của họ 15.000 USD. Ngày 3-2-2012, Mai và đồng bọn đã đưa được 4 người (cả cũ lẫn mới) sang Hàn Quốc bằng con đường hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn. Thế nhưng chỉ sau 5 tháng sống chui lủi bên nước bạn, 2 trong số 4 cá nhân được Mai đưa ra nước ngoài trái pháp luật đã bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ và trục xuất về Việt Nam…

Cũng với thủ đoạn như trên, Mai và Quyền sốt sắng chuẩn bị phi vụ thứ hai, đưa thêm 6 người nữa sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, do bị đối tác người nước ngoài từ chối nên Mai xoay sang con đường du lịch. Thực tế là ngày 17-9-2012, Mai cùng đồng bọn đã đưa được 6 người nữa ra nước ngoài. Do nghi ngờ đoàn khách do Mai dẫn đầu có ý đồ không tốt nên cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành thẩm vấn và phát hiện ra mục đích bất chính nên lập tức trục xuất về Việt Nam… Ngoài 2 lần này, vợ chồng Mai còn nhận tiền và hồ sơ của một người để đưa sang Nhật Bản bằng con đường bất hợp pháp, nhưng cũng bị phát hiện. Đối với mẹ đẻ và bố dượng của Mai, xét thấy hành vi chưa đến mức xử lý hình sự nên CQĐT không đề cập. 

Mặc dù, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng xác định, song nhận thấy cần thiết phải làm rõ thêm một số tình tiết liên quan đến vụ án, nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.