- Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài thêm 2 năm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình một số ý kiến ĐBQH
“Việc kéo dài thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam hiện chưa có trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam do Quốc hội ban hành năm 2014. Do đó, khi thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử nằm ngoài phạm vi luật”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài chưa có trong luật và không có cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động này. Lý giải nguyên nhân vì sao việc cấp thị thực điện tử vẫn chưa được thực hiện nhiều, theo Bộ trưởng Công an có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài hiện chỉ được thực hiện trong phạm vi 46 nước. Do vậy, số lượng người sử dụng chưa nhiều, thậm chí ngay cả nước vào cũng chưa nhiều.
Các cửa khẩu thực hiện cấp thị thực điện tử cũng chưa nhiều, hiện chỉ có 8 cửa khẩu có nhiều người sử dụng. Ngoài ra, việc cấp thị thực điện tử luôn mang “tính thí điểm”, khiến nhiều người nước ngoài còn ngần ngại khi sử dụng, nhất là những vấn đề liên quan tới luật pháp.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, việc cấp thị thực điện tử là một cải cách mới, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước khác trên thế giới, nên nhiều người chưa biết tới dịch vụ này.
“Sắp tới, chương trình thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ được báo cáo với Chính phủ một số vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của Chính phủ về những ý kiến mà các ĐBQH đã nêu”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Liên quan tới thắc mắc của một ĐB về nhiều số liệu chưa chính xác, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo Nghị quyết ban đầu chỉ thí điểm cấp thị thực điện tử với 40 nước, sau đó Chính phủ có sơ kết, đánh giá lại và mở rộng thêm 6 nước nữa.
“Vấn đề mở rộng phạm vi bao nhiêu nước, bao nhiêu cửa khẩu như góp ý của các ĐB thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Việc này, Bộ Công an sẽ báo cáo, đề nghị Chính phủ có Nghị Quyết hoặc Thông tư điều chỉnh lại vấn đề này cho phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Thứ hai, về thời hạn tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, như báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thị thực là 2 năm. Kể từ ngày 1-12-2019 đến 31-1-2021, thời điểm này sẽ sửa Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo chỉ đạo chung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo, đã bắt tay vào sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, quá cảnh của người nước ngoài vào tại Việt Nam theo đúng tiến độ, trong 2 năm thực hiện kéo dài thí điểm này và trình Quốc hội xem xét luật sửa đổi này.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, qua hai năm thực hiện cấp thị thực điện tử, lực lượng xuất nhập cảnh, lực lượng kiểm soát các cửa khẩu quốc tế của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã quản lý đã đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng được yêu cầu.
Với một lực lượng như hiện nay vẫn đáp ứng được yêu cầu khi tiếp tục triển khai cấp thị thực điện tử không cần phải bổ sung thêm nhân lực. Theo thẩm quyền của Chính phủ và theo ý kiến của một số ĐBQH kiến nghị, bộ sẽ có báo cáo đánh giá, tổng kết tất cả các phạm vi, tạo điều kiện cho người nước ngoài. Đây là nội dung sẽ có sự điều chỉnh, xem xét.
“Đối với nội dung công tác tuyên truyền, đặc biệt là nâng cấp trang thông tin điện tử xuất nhập cảnh về công tác đảm bảo chủ quyền ANQG, TTATXH. Qua tổng kết cho thấy công tác quản lý đối với người nước ngoài được bảo đảm”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an: “Qua tổng kết, phí thu được từ việc cấp thị thực điện tử đạt gần 200 tỷ đồng. Nếu như tiếp tục triển khai thực hiện nguồn kinh phí từ việc cấp thị thực điển tử chắc chắn thu được còn cao hơn. Việc tiếp tục cấp thị thực điện tử sẽ thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển KTXH đất nước”.
Trước một số ý kiến của ĐBQH lo lắng đến việc cạnh tranh việc làm, người lao động vào Việt Nam qua việc cấp thị thực điển tử. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, quy định người nước ngoài muốn làm việc lao động tại Việt Nam thì có một quy định khác, không có trong phạm vi trong quy định của thị thực điện tử.