Cạnh tranh dịch vụ tiện ích: Sẽ còn khốc liệt

ANTĐ - “Giữ lời hứa” với khách hàng sẽ giảm bớt các chương trình khuyến mãi nạp thẻ, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng các dịch vụ tiện ích, các hãng viễn thông lớn của Việt Nam đang triển khai nhiều dịch vụ mới.

Tra cứu thông tin qua website hay điện thoại?

Đáp ứng được nhu cầu xã hội

Giữa tháng 2-2012, Viettel Telecom chính thức triển khai dịch vụ cung cấp thông tin kinh tế xã hội qua tổng đài 106x tới khách hàng với 4 mảng thông tin chính: thông tin lao động- việc làm; giải đáp thông tin kinh tế xã hội; tư vấn chuyên sâu từng lĩnh vực và tổng đài trả lời tự động các thông tin văn hóa- xã hội- giải trí.

Nhìn một cách tổng quát, các dịch vụ này “na ná” dịch vụ 1080 mà VNPT đã cung cấp nhiều năm qua. Bà Phạm Thanh Vân-Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Viettel cho biết: “Thế mạnh của Viettel là có đội ngũ nhân viên tốt còn thế mạnh của VNPT là lâu đời. Chúng tôi cung cấp thông tin trên toàn quốc trong khi VNPT cung cấp thông tin cho khách hàng theo tỉnh”.

Minh Hà (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dịch vụ tìm kiếm thông tin việc làm qua tổng đài điện thoại thuận tiện với những người có nhu cầu tìm việc làm, sinh viên… Tuy nhiên, lượng khách hàng tiếp cận có thể chưa lớn bởi nhiều người trong số những sinh viên này tìm việc qua website, gọi điện trực tiếp đến doanh nghiệp tuyển dụng. “Thông tin trên website khá chi tiết, nhiều lựa chọn việc làm và cũng rất thuận tiện với người tìm việc. Một số khác lại muốn trực tiếp đến các văn phòng việc làm hoặc doanh nghiệp có nhu cầu về lao động để hỏi thông tin cho rõ, tránh rủi ro”- Minh Hà nói.

Theo khách hàng của các hãng viễn thông, tra cứu thông tin trên điện thoại tiện ích, song người dùng vẫn chủ yếu cần thông tin ngắn gọn, dễ hiểu. Trên thực tế, một vài dịch vụ trên điện thoại di động đã đáp ứng được nhu cầu này. Ví như Viettel Plus của Viettel có thể giúp khách hàng tìm kiếm thông tin thị trường, xã hội, thể thao…

Giá vẫn quá cao

Đối với khách hàng cần tra cứu thông tin, cước phí từ 1.000- 3.000 đồng/phút tùy dịch vụ 106x của Viettel đối với thuê bao nội mạng là mức chi phí đáng kể so với việc “lướt web”. Ở thời điểm hiện tại, chưa thể so sánh chất lượng của 106x với 1080 bởi 106x mới hoạt động, nhưng mức cước của nhà cung cấp dịch vụ Viettel lại “nhỉnh” hơn so với VNPT. Phía Viettel cho biết tổng đài này sẽ cung cấp các thông tin chuyên sâu, nhưng càng chuyên sâu thì rõ ràng, người tiêu dùng càng phải chi phí lớn. Nếu cần thông tin ngắn gọn, khách hàng có thể tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau.

Về phía doanh nghiệp có nhu cầu đăng tải thông tin, phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ nghĩa là họ phải bỏ tiền túi. Lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ thông tin cho hay: “Đăng tin trên website hay qua các tổng đài điện thoại đều mất phí. Chúng tôi cũng có thể kiểm chứng hiệu quả việc đăng tải này qua việc có bao nhiêu người lao động sẽ gọi điện, hoặc trực tiếp tìm đến doanh nghiệp để hỏi thông tin tuyển dụng. Nhưng đối với doanh nghiệp, việc kiểm soát thông tin đăng tải thường xuyên không, vị trí tin thế nào trên website dễ dàng hơn so với cung cấp thông tin qua điện thoại”. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng khi điện thoại ngày càng trở nên thông dụng, thông minh, thì việc tra cứu thông tin qua điện thoại là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ theo hướng này là hợp lý, nhưng bên cạnh việc mở hàng loạt dịch vụ tiện ích, cái quan trọng khách hàng cần vẫn là chất lượng thông tin, dịch vụ và mức chi phí “bình dân” hơn.