Cảnh giác với những “thương vụ”

ANTĐ - Dư luận xã hội và báo chí rồi sẽ bớt búc xúc và lắng dịu dần sau những vụ phòng khám Trung Quốc, bác sĩ “chui”, móc túi người bệnh gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý người lao động nước ngoài, cấp phép hành nghề kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh ở Hà Nội, TP. HCM sẽ rút ra được những bài học gì? Bởi không chỉ trong lĩnh vực y tế, tình trạng thao túng thị trường nước ta của thương lái Trung Quốc đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương cũng theo “nước cờ”, thủ đoạn gần như tương tự mà hậu quả để lại còn lâu dài hơn.

Rộ lên trong mấy năm gần đây, “đội quân” thương lái Trung Quốc không còn âm thầm, lặng lẽ mà “lũ lượt” từng đoàn, từng nhóm len lỏi, luồn lách từ các đô thị trung tâm thương mại lớn, cho tới những địa phương có vùng nguyên liệu nông sản lớn như dừa, khoai lang, xoài, dứa… tranh mua, giành giật hàng hóa. Thậm chí ở những vùng ven biển nước ta, thương lái phương Bắc cũng lặn lội nuôi, thả cá tôm bè lồng, khai thác thu mua theo kiểu vơ vét, tận diệt rong mơ biển.

Ngay chợ đầu mối lớn nhất phía Bắc, chợ Đồng Xuân hoặc chợ vải Ninh Hiệp cũng không thiếu thương lái Trung Quốc giao thương với giới kinh doanh người Việt. Không có gì ngạc nhiên khi thấy hầu như toàn bộ hàng hóa bày bán trong chợ đều là “made in China”. Đó chỉ là “phần nổi”, điều sâu xa là bắt nối với những người bán buôn hàng nông sản sơ chế rồi “đánh hàng” theo đường tiểu ngạch về nước.

Thủ đoạn này diễn ra phổ biến với nhiều mánh khóe tinh ranh và tinh vi ở nhiều nơi. Đơn cử, khoảng hai tháng trở lại đây, tại các vườn xoài Úc nổi tiếng ở một huyện tỉnh Khánh Hòa, xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc kéo đến mua không cần phân loại, không đóng nhãn mác, mà giá cao hơn gấp đôi, gấp ba giá của công ty Việt Nam. Bất kể quả tròn, quả méo, to nhỏ, họ mua “xô” rồi chở về Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. “Cuộc chiến” tranh giành thị trường giữa họ với doanh nghiệp trong nước diễn ra “khốc liệt” và đương nhiên phần thắng nghiêng về kẻ mạnh tiền, mua theo kiểu “vơ bèo gạt tép”.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là phá giá, làm mất uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam. Thực tế cho thấy, không chỉ xoài Úc, tình trạng tranh mua như “ăn cướp” của thương lái Trung Quốc mấy năm gần đây đã đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào chân tường. Đáng lo ngại nhất là thương lái nước họ đã thuê các đầu nậu, tư thương người Việt đứng ra mua nông sản với giá cao vọt. Thấy bán được giá hời, người nông dân vì cái lợi trước mắt liền phá bỏ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, nhà máy để bán hàng cho họ. Sở dĩ thương lái mạnh tay vung tiền trả giá cao hơn doanh nghiệp trong nước vì họ không phải đóng thuế, từ đó có thể thao túng thị trường, phần thiệt hại lớn nhất là doanh nghiệp và nông dân.

Một bằng chứng khác cho thấy hậu quả lâu dài do hành động kinh doanh đầy toan tính của họ. Mấy năm nay, tình trạng khai thác rong mơ để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là nguồn sống của người dân ven biển miền Trung. Do giá thu mua tăng chóng mặt, dân đua nhau khai thác. Kể cả khi còn non bán cho thương lái Trung Quốc. Năm nay rong mơ mất mùa khiến hàng trăm hộ dân lao đao, túng quẫn. Một chuyên gia biển đánh giá, rong mơ cạn kiệt dẫn đến suy thoái môi trường, nhất là suy thoái nguồn lợi ven biển.

Bài học rút ra không chỉ từ lĩnh vực y tế hay sản xuất mà phần lớn người Trung Quốc có thể hành nghề chui thao túng thị trường là vì núp bóng người việt Nam. Người dân vì cái lợi trước mắt đã tiếp tay, nối giáo cho họ đã đành, song các cơ quan quản lý dường như chỉ “vào cuộc” khi hậu quả đã xảy ra đến mức nghiêm trọng. Làm ăn với người “hàng xóm” lắm mưu mẹo, thủ đoạn, nếu không luôn luôn đề phòng, cảnh giác thì có tỉnh ra cũng đã quá muộn!