Cảnh báo là không thừa

ANTĐ - Diễn tiến tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm nay gần đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế. Ở hai đầu tàu kinh tế đất nước đều có mức tăng vọt chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hà Nội tăng 2,47% so với tháng 8, TP.HCM tăng 1,21%. Ước tính CPI tháng 9 của cả nước tăng 1,6% so với tháng 8 và tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2011. Lạm phát cả năm có thể là 7-8%. Vì sao sau nhiều tháng sụt giảm, thậm chí xuống mức âm, CPI tháng 9 “đột nhiên” nhảy vọt?

Tháng 9 năm nay có những đặc điểm rất khác thường. CPI tăng cao nhất từ đầu năm, cao nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ trong 20 năm trước đó, nhưng CPI sau 9 tháng qua lại tăng thấp nhất so với cùng kỳ 8 năm trước. “Thủ phạm” chính khiến CPI tháng 9 nhảy vọt là các đợt tăng liên tiếp giá xăng dầu, gas, giá một số hàng hóa, dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông, điện, nước…

Trong con mắt người tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, diễn biến giá cả 9 tháng qua có tác động nhiều mặt. Nhóm hàng lương thực giảm mạnh nhất, nhóm hàng thực phẩm tăng thấp, cho thấy người sản xuất lương thực, thực phẩm đã có những đóng góp lớn vào việc kiềm chế lạm phát của cả nước, đồng thời góp phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhiều người.

Tuy nhiên, chính người nông dân lại luôn chịu thiệt thòi, lặp lại “điệp khúc” được mùa mất giá, thực phẩm làm ra khó bán, ứ đọng, sức mua quá yếu. Nền kinh tế đã vượt qua ¾ chặng đường, mặc dù mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm có thể đạt được 7-8%, song rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc tiếp tục kìm giữ lạm phát từ nay đến cuối năm.

Tháng 10, nhiều mặt hàng thiết yếu đang “dọa” tăng giá. Các công ty gas dự định tăng thêm từ 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/bình, sau khi đã tăng mạnh vào tháng trước. Một số hãng sữa nổi tiếng cũng “đánh tiếng” sẽ tăng giá, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng mỗi hộp. Hệ thống siêu thị sau khi giảm giá, khuyến mãi và “xả hàng” cũng rục rịch tăng giá bán.

Không nên quên rằng, đầu tháng 10 là “điểm xuất phát” của một cuộc “đua giá” mới, mà mở đầu là ngành điện sau 3 tháng “nóng lòng” chờ đợi sẽ được quyền xem xét và điều chỉnh giá. Một số doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền trong việc định giá không bỏ lỡ “cơ hội” lạm phát thấp đề nghị tăng giá. Một số chuyên gia lưu ý rằng, không ít cơ quan quản lý nhà nước không những không giữ vai trò “trọng tài”, công bằng và công tâm vì lợi ích người tiêu dùng, mà trong một số trường hợp còn đứng ra “bênh” doanh nghiệp. Trong khi đó, nguy cơ giá hàng hóa tăng mạnh mà những ngày qua thấy rõ như giá vàng, xăng dầu, kim loại… tăng lên.

Điều cảnh báo của giới chuyên gia là không thừa, nếu tỷ giá không giữ được ổn định như trong 8 tháng qua, thì sẽ phát sinh “nhập khẩu lạm phát” và làm cho lạm phát trong nước tăng vọt. Khi đến chu kỳ tăng giá, thì giá lương thực, thực phẩm, giá vàng, USD “cộng hưởng” với lạm phát tâm lý sẽ làm cho lạm phát cao quay trở lại.