Cảnh báo không thừa

ANTD.VN - Mấy năm gần đây, các lò luyện thi từng mọc lên san sát như nấm quanh khu vực các trường đại học rơi vào cảnh tiêu điều, tàn lụi, kéo theo đó những “chợ phao thi” cũng không còn đất sống. Thế nhưng, từ khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định chuyển từ hình thức thi tự luận 4/5 môn sang thi trắc nghiệm, lập tức các lò luyện thi lại được dịp tranh nhau tung ra nhiều chiêu trò quảng cáo, chiêu sinh hấp dẫn. Vậy bên trong những lò luyện đó thực chất “luyện” gì và cho ra những sản phẩm gì?

Một nguyên lý bất di bất dịch trong giáo dục là học thế nào thì thi thế nấy. Khi chuyển sang thi trắc nghiệm, có nghĩa cũng phải thay đổi cách dạy và cách học. Thầy cô giáo phải chuyển đổi từ trong tư duy giáo dục cho tới phương pháp, cách thức và thói quen truyền tải kiến thức cho học sinh.

Lối mòn “thầy đọc - trò chép” không thể tồn tại mãi, thay vào đó người thầy có một sứ mệnh rất nặng nề là người khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo, kích thích khả năng động não của học sinh, đặc biệt là giúp cho trò phương pháp tư duy, phản biện không rơi vào tình trạng xơ cứng, máy móc. 

Riêng đối với học sinh, khi chuyển sang thi trắc nghiệm, đòi hỏi phải có một sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện trong cách học. Nếu không đoạn tuyệt với thói quen học vẹt, thuộc lòng như cháo chảy, nhất là học lệch, học tủ, sao chép những mẫu đề thi thì chắc chắn sẽ bó tay, “cắn bút” khi mỗi thí sinh có một đề thi riêng, không ai giống ai.

Không thể quay cóp hoặc sử dụng “mẹo vặt” với hơn 40 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó mỗi câu chỉ có một đáp án đúng. Vì thế không có chuyện đoán mò, may rủi, nhất là khi việc chấm thi lại được cài đặt trong hệ thống máy tính không thể gian lận, sai lệch theo người chấm. 

Phân tích một cách khái quát phương thức thi trắc nghiệm để thấy, hiện nay, tại các trường học trên cả nước từ giáo viên tới học sinh đang chuyển mạnh cách dạy và cách học để “thích nghi” với hình thức thi mới, hoàn toàn không mang tính chất đối phó. Trong khi đó, các lò luyện thi nhân cơ hội “đục nước béo cò” dụ dỗ phụ huynh, học sinh lao vào với hy vọng sẽ được “tôi luyện” bởi những giáo sư, giáo viên uy tín, dày dạn kinh nghiệm thi trắc nghiệm.

Đương nhiên, có cung ắt có cầu. Lò thi mở ra cũng “hút” được những học sinh nhẹ dạ, cả tin. Tuy nhiên, chính những giáo viên có thâm niên trong nghề, có lương tâm, tâm huyết với trọng trách “trồng người” đã lên tiếng cảnh báo những người làm cha mẹ cần tỉnh táo nhìn nhận, không nên ném tiền và “ném” con cháu vào những cái lò luyện đó.

Một điều rất dễ nhận ra là, chẳng có một loại lò nào có thể luyện cho học sinh những “miếng võ”, mưu mẹo hoặc thủ đoạn tinh vi để có thể giành phần thắng trong cuộc “thi đấu” trắc nghiệm. Ngay ở các nước đã áp dụng hình thức thi tiên tiến này cũng không tồn tại bất cứ lò luyện thi nào như ở Việt Nam.

Lời cảnh báo không bao giờ thừa, ngay cả khi hậu quả chưa xảy ra. Hoàn toàn có thể thấy trước những lò luyện thi sẽ không thể cho “sản phẩm” mà chỉ là... phế phẩm, chính gia đình và xã hội phải hứng chịu.