- Tăng tranh luận để nâng cao chất lượng lập pháp
- Ban hành Luật Cảnh vệ là rất cần thiết
- Đảm bảo sự chặt chẽ khi quy định cho phép cảnh vệ được quyền nổ súng, huy động tài sản
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu và giải trình ý kiến các ĐBQH xung quanh dự thảo Luật Cảnh vệ
Cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo luật, ĐB Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) góp ý, dự thảo cần quy định theo hướng phân biệt giữa các đối tượng được cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện, khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và sự kiện độc lập, đồng thời quy định trường hợp cụ thể với hình thức tấn công trực tiếp nào thì sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
ĐB Nguyễn Đình Tiến (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc cho phép lực lượng Cảnh vệ trưng dụng tài sản là cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đề nghị phải cho Cảnh vệ có quyền đặc biệt. “Tôi ví dụ Luật Hàng không dân dụng cấm mang vũ khí lên máy bay. Trường hợp lực lượng Cảnh vệ đi chung đối tượng cảnh vệ trên cùng một máy bay, nếu họ không được mang vũ khí thì đối tượng cảnh vệ có thể bị nguy hiểm tính mạng bởi kẻ xấu có thể dùng các biện pháp khác như hành động võ thuật để sát hại đối tượng cảnh vệ”, ĐB Nguyễn Đình Tiến phân tích.
Tham gia thảo luận, ĐB Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nguyên tắc hợp tác quốc tế công tác cảnh vệ trong trường hợp có liên quan. “Điều này nhằm tạo điều kiện cho việc hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước trong hoạt động cảnh vệ cũng như tạo thuận lợi cho chúng ta khi triển khai các hoạt động cảnh vệ ở nước ngoài”, ĐB Tạ Minh Tâm nhấn mạnh.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng quan tâm tới phạm vi đối tượng cảnh vệ, chính sách cho lực lượng Cảnh vệ, áp dụng công nghệ khoa học trong hoạt động cảnh vệ, quy định việc sử dụng vũ khí của lực lượng Cảnh vệ nước ngoài khi tác nghiệp tại Việt Nam.
Phát biểu giải trình ý kiến các ĐBQH, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong điều kiện ổn định về chính trị như hiện nay, trước mắt chưa nên bổ sung đối tượng cảnh vệ. Về đề nghị bổ sung mục tiêu cảnh vệ như trụ sở cơ quan, khu di tích lịch sử… Ban soạn thảo nhận thấy, việc bảo vệ các cơ quan này đã được Cảnh sát bảo vệ và một số lực lượng chuyên trách bảo vệ của địa phương đảm nhiệm.
Trước ý kiến cần quy định cụ thể nội dung, biện pháp cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, vấn đề này mang tính nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì vậy nên để Bộ trưởng Bộ Công an quy định sẽ phù hợp hơn. Về các ý kiến như đề nghị luật hóa quy định về lực lượng Cảnh vệ; quy định cụ thể hơn về việc nổ súng, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh vệ phải đảm bảo phù hợp với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc của việc phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết của Luật Hình sự…, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý.
Đối với đề nghị bổ sung tiêu chuẩn để thu hút nữ giới làm cảnh vệ, Ban soạn thảo nhận thấy cảnh vệ là nhiệm vụ đặc biệt, không phân biệt nam hay nữ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, sức khỏe, chuyên môn… nên đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo luật.