"Cần sáng suốt lựa chọn, bầu và phê chuẩn những người xứng đáng"

ANTĐ - Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đề nghị các ĐBQH dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn, bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII khép lại với nhiều hoạt động sôi nổi, thành tích nổi bật, góp phần làm giàu thêm truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hoan nghênh và cảm ơn toàn thể cử tri, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan tổ chức liên quan đã hoàn thành tốt trọng trách của mình trong cuộc bầu cử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc hội khóa XIV, sáng 20-7

"Những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XIII là tiền đề quan trọng và là bài học kinh nghiệm quý báu cho Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước có thuận lợi và thời cơ đan xen khó khăn, thách thức đòi hỏi toàn Đảng toàn dân phải chung sức đồng lòng để đưa đất nước  vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Quốc hội có vinh dự và trách nhiệm lớn khi kế thừa thành tựu và kinh nghiệm Quốc hội các khóa trước, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và luật định để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước nhân dân, trước đất nước.

Quanh cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV

Trước tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiến nghị:

Một là, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa cương lĩnh chính trị, các quan điểm đường lối của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước , bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh. 

Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, thông qua giám sát kịp thời phát hiện và có những kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế xã hội; nghiên cứu bổ sung, từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan tới hoạt động giám sát.

Ba là, đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, về những dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng sâu rộng tới tư tưởng của đông đảo tư tưởng cử tri và nhân dân, tới Quốc phòng an ninh đối ngoại, đảm bảo lợi ích chung của Quốc gia, ý chí của nhân dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là nhiệm vụ hết sức hệ trọng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao của các ĐBQH. “Đề nghị các vị ĐBQH dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn, bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị".

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối phát triển đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường các hoạt động đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị hợp tác với Quốc hội các nước; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; chú trọng công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội.

Năm là, về tổ chức phương thức hoạt động và chế độ làm việc. Chất lượng làm việc của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan của Quốc hội và cá nhân các ĐBQH. Các vấn đề trước khi trình Quốc hội phải được nghiên cứu bàn bạc kỹ lưỡng, xem xét cẩn trọng, tập thể quyết định theo đa số tại các cơ quan của Quốc hội và khi đã trình ra Quốc hội chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau để Quốc hội xem xét.

"Chúng ta tin tưởng rằng Quốc hội khóa XIV với tinh thần dân chủ đoàn kết và trách nhiệm sẽ thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm những mốc son mới vào lịch sử vẻ vang và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.