Cần “ra roi” với những vi phạm

ANTĐ - Trước diễn biến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp và giá xăng đã giảm liên tiếp 2 lần, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần làm rõ lý do tăng giá. PV ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa ông, ở khu vực phía Nam, các siêu thị, cửa hàng tiện ích... đã nhận được thông báo tăng giá từ nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Đã có siêu thị nào trong Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận được đề nghị tăng giá chưa?

- Ông Vũ Vinh Phú: Tôi chưa thấy thông tin báo cáo tăng giá ở khu vực phía Bắc. Miền Bắc thường điều chỉnh giá chậm hơn phía Nam khoảng 15 ngày. 

- Giá xăng dầu đã giảm về gần bằng mức trước khi tăng giá kỷ lục hôm 28-3, lý do doanh nghiệp tăng giá là do nguyên liệu đầu vào tăng có hợp lý?

- Có doanh nghiệp còn viện lý do hơn 1 năm rồi giữ giá trong khi nguyên liệu tăng nên lần này điều chỉnh luôn. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần vào cuộc xem các hàng hóa này tăng có hợp lý không! Hiệp hội các nhà bán lẻ, hiệp hội siêu thị, ngành hàng cần liên kết lại để xem xét, chất vấn doanh nghiệp có tự ý kê giá lên không, chi tiết tăng giá ở khâu nào? Ví dụ, xà phòng giặt tăng 5.000 đồng/kg thì nguyên liệu tăng bao nhiêu? Lâu nay việc tăng giá chỉ được giải thích qua loa là đang lỗ. CPI tháng này đã giảm, sức mua yếu rồi nên nếu bất hợp lý thì các hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp bán lẻ ngừng mua hàng, chấm dứt hợp đồng với nhà sản xuất. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn mạnh ai nấy làm, liên kết lỏng lẻo. Cộng đồng doanh nghiệp phải tạo ra sức mạnh hơn nữa vì mục đích kinh doanh lâu dài.

- Hiệp hội siêu thị Hà Nội đã có ý kiến gì với các hiệp hội khác, doanh nghiệp về việc liên kết xem xét việc tăng giá?

- Đầu năm chúng tôi đã có văn bản đề nghị các siêu thị cần xem xét giá trước khi chấp thuận. Nếu có tăng giá thì mức 15% trở xuống là được.

- Nhưng các siêu thị hoạt động vì lợi nhuận. Chấp thuận tăng giá, có thể họ được chiết khấu hoa hồng cao hơn?

- Không loại trừ trường hợp đó. Theo tôi, siêu thị tăng giá trên 15% thì hầu hết đã được thêm chiết khấu hoa hồng trong đó rồi. Nhưng hiệp hội cũng chỉ khuyến cáo doanh nghiệp thôi, chứ không can thiệp sâu được. Cơ quan quản lý Nhà nước phải “ra roi” để nắn lại hoạt động điều chỉnh giá.

- Sức mua không tăng mà giá tăng là nguy cơ rất đáng lo ngại?

- 3 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,5%, thấp hơn mức 4,7% cùng kỳ năm ngoái. Quan điểm của tôi là phải khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp và tạo niềm tin cho xã hội. Các giải pháp khoan sức doanh nghiệp như giãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất,... thực hiện công bằng, minh bạch... thì đã được nhắc đến rồi. Nhưng với khoan sức dân, thì giải pháp có thể làm là giảm ngay thuế VAT, từ 10% hiện thời xuống mức 5%.