Cần khẩn trương loại bỏ “sát thủ” gây ung thư PCB

ANTĐ - Được xác định là chất rất độc hại, có khả năng gây ung thư song hợp chất hữu cơ Polyclobiphenyl (PCB) vẫn tồn tại trong rất nhiều máy móc các loại. Do đó, các cơ quan chức năng đang ráo riết lên kế hoạch quản lý và loại bỏ chất này.

Hợp chất độc hại PCB thường có trong máy biến thế cũ nát có thể gây ung thư

Ngày nay, hợp chất hữu cơ PCB đã được các nhà khoa học xác định là chất có khả năng gây ung thư. Độc chất này có thể hấp thụ vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp hoặc tiếp xúc qua da. Người nhiễm độc cấp tính hợp chất PCB sẽ có các triệu chứng nổi mụn, cháy da, bỏng mắt... trong khi đó khi nhiễm độc mãn tĩnh có thể gặp các bệnh ung thư, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hệ sinh sản và phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, do có đặc tính điện môi tốt, rất bền vững, không cháy, chịu nhiệt và sự ăn mòn hoá học, hợp chất PCB đã được sử dụng như một chất điện môi phổ biến trong máy biến thế và tụ điện, chất lỏng dẫn nhiệt trong hệ thống truyền nhiệt và nước, chất làm dẻo trong PVC và cao su nhân tạo, là thành phần trong sơn, mực in, giấy không chứa carbon, chất dính, chất bôi trơn, chất bịt kín và chất để hàn. PCB cũng được sử dụng như chất phụ gia của thuốc trừ sâu, chất chống cháy và trong dầu nhờn...

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), tuy Việt Nam không sản xuất PCB nhưng đã nhập khẩu và sử dụng hợp chất PCB chủ yếu như chất điện môi trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện. Ngoài ra, chất này còn được sử dụng trong dầu công nghiệp như dầu máy thủy lực, dầu turbin khí và phụ gia cho chất dẻo. Liên quan tới loại hóa chất độc hại này, đợt khảo sát trên toàn quốc năm 2006 ước tính Việt Nam có tới 10.000 thiết bị điện nghi nhiễm hợp chất PCB với tổng lượng dầu chứa PCB lên tới 9.000 tấn.

Trước tính chất nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người của hợp chất PCB, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, trong đó, Việt Nam cam kết thực hiện “loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028”. Đề án về quản lý an toàn, loại bỏ sử dụng và tiêu hủy hợp chất PCB, các sản phẩm chứa hợp chất PCB trong ngành điện và các sản phẩm công nghiệp đã được xác định là một trong những đề án ưu tiên thuộc Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm của Việt Nam. Cùng với đó, dầu và các vật liệu, thiết bị chứa hợp chất PCB vẫn đang sử dụng được xác định là chất thải nguy hại tiềm năng và cần được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. 

“Việc quản lý vận chuyển hợp chất PCB và vật liệu chứa hợp chất PCB như một loại hàng hóa nguy hiểm nhóm 9, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an, được quy định tại Nghị định số 104/NĐ-CP. Cũng liên quan tới loại hàng hóa nguy hiểm này, Thông tư số 35/TT-BCA cũng đã quy định rõ đơn vị có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm. Theo đó, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển từng chuyến; có giá trị 12 tháng đối với phương tiện chuyên dùng vận chuyển hàng nguy hiểm. Phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ, đường sắt, phải dán Biểu trưng hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định lên kính phía trước và hai bên thành phương tiện vận chuyển trong suốt quá trình vận chuyển”.

Việt Nam đã có các quy định quản lý hợp chất PCB như chất thải có hại và có các quy định về ngưỡng chất thải nguy hại, nước thải có chứa hợp chất PCB. Theo đó, ngưỡng chất thải nguy hại chứa hợp chất PCB là 5 ppm (QCVN 07:2009/BTNMT), hàm lượng cho phép của hợp chất PCB trong nước thải loại A và loại B là 0,003 mg/l và 0,01 mg/l (QCVN 40:2011/BTNMT).

Để kiểm soát tốt các loại hàng hóa có nhiễm hợp chất PCB, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý chức năng như quản lý thị trường, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Hải quan... Trong đó, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường được xem là lực lượng mũi nhọn, chịu trách nhiệm phát hiện các vụ việc vi phạm cụ thể. Liên quan tới độc chất PCB, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện nhiều đơn vị cố tình bán dầu biến thế đã qua sử dụng và hàng trăm tấn chất thải nguy hại (có chứa hợp chất PCB) ra bên ngoài, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Những vụ việc kiểu này cho thấy, nhận thức về độc chất PCB của các doanh nghiệp còn rất sơ sài. Do đó, bên cạnh tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm, cần gia tăng các biện pháp thanh kiểm tra nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về chất độc nguy hiểm PCB.