Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Cần giám sát chặt hơn nữa, để không lọt cán bộ tham nhũng!

ANTĐ - Trong phiên chất vấn sáng nay (15-6) với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chống tham nhũng, công khai, minh bạch hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính...
Sáng nay, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn, khép lại toàn phiên trả lời chất vấn của Quốc hội về vai trò điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Minh bạch, công khai để chống tham nhũng

Trước câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về giải pháp chống tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng gây bức xúc dư luận, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ là cơ quan hành pháp quản lý toàn diện đất nước, mỗi một thất thoát, một hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Chính phủ đã nhận thức và phân công, phân cấp việc xử lý giải quyết, đặc biệt có chương trình quản lý hiệu quả hơn hoạt động của các Tập đoàn, TCty nhà nước để phát huy hiệu quả nguồn lực này, chống thất thoát, lãng phí.
Cùng mối quan tâm như ĐB Thuyền, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên -Huế) chất vấn về trách nhiệm của các Bộ liên quan tới thất thoát tại các tập đoàn Nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định của pháp luật, các Bộ ngành có liên quan đều có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước. Thời gian tới, sẽ tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Cũng theo Phó thủ tướng, ngày mai, Thủ tướng sẽ nghe và xem xét Nghị định 132 sửa đổi để làm rõ trách nhiệm chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Liên quan tới hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chất vấn, "có nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động, Thủ tướng phải buộc các Tập đoàn, Tổng công ty này công bố thông tin như các Công ty niêm yết chứng khoán, nhưng tại sao tới nay vẫn chưa làm mà chỉ Thanh tra mới biết?". Phó Thủ tướng trả lời rằng, tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty phải công khai, minh bạch, việc chậm trễ thời gian qua cũng có lý do. Nhưng sắp tới sẽ phải công khai như Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để giám sát.
Trước những lo ngại của ĐB Trần Du Lịch về tác động do nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các đơn vị làm ăn thua lỗ, Phó thủ tướng cũng công nhận rằng có một phần của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tiền trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ không phải là cao, đây cũng không phải là nguyên nhân chính của nợ xấu của các ngân hàng thương mại. 

Liên quan tới vấn đề chống tham nhũng, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề xuất, "Có nên ban hành Luật Trọng dụng nhân tài để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước?", Phó Thủ tướng cho biết: "Chúng ta vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xin tiếp thu ý kiến của ĐB. Có một quy định, giám sát chặt hơn nữa để không lọt cán bộ tham nhũng và cần có Luật trọng dụng nhân tài. Chúng tôi xin tiếp thu và hoàn chỉnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cải cách hành chính còn khó khăn

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về đề án cải cách thủ tục hành chính chưa hiệu quả, Phó Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên chúng ta thống kê được số lượng thủ tục hành chính nhà nước và công bố trên các phương tiện thông tin. Đây là công việc trên có ý nghĩa lớn, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Phó thủ tướng, giải pháp sắp tới là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ rà soát thủ tục hành chính trong năm 2013, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại những cơ quan hành chính và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại của cử tri trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã, phường.
Liên quan tới vấn đề cán bộ công chức, theo Phó thủ tướng, hiện cả nước có trên 2,8 triệu cán bộ công chức kể cả lực lượng vũ trang, đa số cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị, có ý thức tổ chức kỷ luật, được đào tạo chuyên môn, chính trị... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Đó là năng lực, trình độ của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Kỷ luật, kỷ cương thấp, trách nhiệm chưa cao, trì trệ, chậm đổi mới. Một bộ phận không nhỏ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước. Văn hóa công sở chưa đạt yêu cầu. Công tác tuyển dụng, thi tuyển, bổ nhiệm còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng cần có giải pháp rà soát lại các văn bản pháp luật, nhất là về đánh giá thi cử để sàng lọc đội ngũ cán bộ, kiên quyết loại bỏ những cán bộ công chức vi phạm, làm mất uy tín của cán bộ Nhà nước. 

Kinh tế đã vượt qua khó khăn!

Liên quan tới câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) rằng "kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất chưa?", Phó Thủ tướng nhận định rằng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể, thời gian qua (quý I), tuy tăng trưởng thấp, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhưng quý 2, tăng trưởng đã khá hơn, doanh nghiệp giải thể ít hơn, hàng tồn kho ít hơn. Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá, nền kinh tế đất nước đã bước đầu có những dấu hiệu khả quan. Có thể nói chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục.

Kết thúc phiên chất vấn, chiều nay, Quốc hội họp riêng về dự thảo Luật Biển Việt Nam. Dự thảo này sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 21-6-2012.