Cần giảm áp lực thi cử

ANTĐ - Ngày 10-7, gần 1,3 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành xong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, kỳ thi ĐH năm nay đã được Bộ cố gắng cải tiến để giảm nhẹ áp lực nhưng vẫn còn gây căng thẳng cho người dân, nhất là việc đi lại, dồn về các thành phố lớn để ứng thí cùng các vấn đề phát sinh kèm theo như tâm lý, sức khỏe, chi phí…
Cần giảm áp lực thi cử ảnh 1
Thí sinh và người nhà thở phào nhẹ nhõm sau môn thi cuối cùng
(Ảnh chụp tại Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền)


Đổi mới chính thức vẫn chờ sau 2015

Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, dù được rút kinh nghiệm nhiều khâu so với năm trước như thay đổi thứ tự môn thi, cải tiến hướng ra đề thi, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cho kỳ thi… nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc gây căng thẳng, áp lực cho người dân trước kỳ thi này vẫn khá lớn và Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện từng bước, lấy ý kiến dư luận đối với kỳ sát hạch quan trọng này.

“Những thay đổi lớn chỉ có thể thực hiện sau năm 2015 để có thời gian lấy ý kiến dư luận và không gây sốc cho thí sinh khi có đủ thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, trong thời gian từ đây tới năm 2015, thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp nhận các phương án tuyển sinh riêng do các trường đề xuất. Sau khi trưng cầu ý kiến người dân và xem xét tính khả thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xét duyệt các đề án này” -  Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện nay, ngay cả các nước có nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang muốn cải cách kỳ thi tuyển sinh ĐH của nước họ nhưng cũng đều phải đặt ra lộ trình trong 5 năm chứ không thể thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý học sinh.

Chậm nhất 31-7 thí sinh sẽ biết kết quả

Để đưa ra sớm nhất kết quả cho thí sinh, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, quy định của Bộ GD-ĐT, các trường chậm nhất đến 31-7 phải công bố kết quả thi ĐH cho thí sinh. Bên cạnh đó, việc chấm thi chính xác, khách quan đòi hỏi các trường phải thực hiện đúng quy trình chấm kiểm tra 5% số bài thi theo quy định mới của Bộ GD-ĐT. “Qua thực tiễn chấm thi, chúng tôi nhận thấy có nơi này, nơi kia chấm thi chưa công bằng vì vậy quy chế  năm nay bổ sung việc các trường phải thành lập Ban chấm thi kiểm tra, chấm đuổi cùng với Ban chấm thi và cũng thực hiện 2 vòng độc lập. Kết quả của việc chấm kiểm tra có tác dụng tham mưu cho hội đồng chấm thi điều chỉnh kịp thời với Ban chấm thi. Khi cần thiết, hội đồng chấm thi phải tổ chức đối thoại để đảm bảo chấm thi công bằng cho thí sinh” - Ông Ngô Kim Khôi cho biết. Cũng theo ông Khôi, những bài làm có cách giải độc đáo, sáng tạo sẽ được cộng điểm sau khi báo cáo hội đồng chấm thi, tối đa là 1 điểm. Việc xác định bài làm của thí sinh độc đáo, sáng tạo tư duy thế nào sẽ do Ban chấm thi xác định.

Một điểm đáng lưu ý là có thể xảy ra khả năng ém điểm thi của thí sinh, không công bố công khai để kiếm lợi từ các dịch vụ nhắn tin xem điểm mất tiền. Trước thắc mắc này, ông Ngô Kim Khôi nhấn mạnh các trường không được phép kiếm lợi qua dịch vụ cung cấp điểm thi mất phí; “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, toàn bộ kết quả thi của thí sinh phải được công bố công khai trên trang web của trường cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh phải được cung cấp kết quả thi miễn phí. Nếu có hiện tượng thu phí với dịch vụ xem điểm, thí sinh cần phản ánh với Bộ để kịp thời xử lý”.

Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT: “Bộ nhận được nhiều phản ánh tiêu cực, bất cập qua đường dây nóng”

Cần giảm áp lực thi cử ảnh 2

Một điểm mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay là việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT duy trì đường dây nóng tuyển sinh. Trước một số thắc mắc cho rằng, việc giải đáp chưa kịp thời và dường như chỉ có tính chất đối phó, tôi xin khẳng định là số điện thoại và email của đường dây nóng này đã được công bố rộng rãi. Bộ phận thường trực đã nhận được một số thông tin do thí sinh, phụ huynh, cán bộ coi thi gửi đến phản ánh về những tiêu cực, thiếu sót, bất cập, thắc mắc và chúng tôi đã xử lý những thông tin đó trong ngày để gửi Ban chỉ đạo tuyển sinh xử lý. Nếu điểm thi phản ánh có tiêu cực trong khu vực có đoàn thanh tra của Bộ thì chúng tôi yêu cầu phối hợp với hội đồng tuyển sinh kiểm tra, rà soát… nếu không thì hội đồng tuyển sinh cũng bắt buộc phải báo cáo xác minh sự việc. Theo tôi, việc lập đường dây nóng đã góp phần đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế.