Kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIII:

Cần giải pháp mạnh vực dậy nền kinh tế

ANTĐ - Hôm qua, 22-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012, triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2013. Nhiều ý kiến cho rằng, cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ.

Giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Đồng tình với nhận định của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, song ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng cảnh báo nền kinh tế “đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng”. Nhấn mạnh sự suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp là rất đáng sợ, ông đề nghị phải xây dựng chương trình 3 năm (2013-2015) để vực dậy nền kinh tế trong nước. “Không thể để kinh tế trong nước tiếp tục trì trệ, suy giảm như hiện nay. Để làm được phải có chính sách tiền tệ phù hợp. Hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ. Do vậy, phải tính lại sự hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tháo gỡ tín dụng để đạt được dư nợ 12% bằng các giải pháp linh hoạt. Ngoài ra, có thể xem xét nới lỏng chính sách tài khóa, tăng trái phiếu để trả nợ đầu tư xây dự án cơ bản cho doanh nghiệp”. 

Cũng băn khoăn về dòng tiền, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Hạ lãi suất ngắn hạn, tiền gửi vào ngân hàng nhiều nhưng các doanh nghiệp không có vốn để sản xuất, vậy tiền đi đâu?”. Ông dẫn chứng: “Tôi có hỏi mấy người làm ngân hàng, họ nói rằng thực ra có tiền, song không dám cho vay bởi độ tin tưởng của các doanh nghiệp hiện nay (thế chấp, tín chấp) chưa đảm bảo để thu hồi được vốn. Thế là, tiền đó lại để mua trái phiếu, hoặc ngân hàng A gửi cho ngân hàng B để lấy lãi chênh lệch. Như thế là không được! Tiền này là để đầu tư sản xuất! Không thể lấy việc cho doanh nghiệp vay mấy năm trước đây để đầu tư bất động sản, giờ bị đóng băng để không xuất tiền ra. Vấn đề này cần phải làm rõ, để kéo dài sẽ không có lợi cho sự phát triển”. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng. Ông lo lắng: “Phải chăng uống “thuốc” đã quá liều! Lạm phát thấp hơn dự kiến cũng cho thấy điều đó. Điều này làm cho tâm lý thị trường tiêu cực, nhà đầu tư co cụm... Phải cân nhắc hết sức thấu đáo để tránh vòng luẩn quẩn lạm phát - siết chặt - suy giảm - nới lỏng - lạm phát...”.

Có cùng đánh giá về tình hình hiện tại, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bức xúc vì có nhiều vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bà phân tích: “Nông nghiệp được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng không thấy chuyển biến. Nhiều vấn đề bức xúc lâu nay như “được mùa, rớt giá” vẫn kéo dài khiến khó khăn dồn về phía người nông dân. Cần phân tích rõ nguyên nhân, địa chỉ trách nhiệm để xử lý rốt ráo những vấn đề này”. 

Kích cầu đầu tư tiêu dùng

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) góp ý: “Lãi suất không phải là rào cản tiếp cận vốn của doanh nghiệp như nhiều ý kiến. Vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn kém, tồn kho lớn. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh tốt vẫn có tư tưởng hoạt động cầm chừng, nên không vay tiền. Trong khi đó, những doanh nghiệp muốn vay lại không có phương án kinh doanh khả thi. Vấn đề quan trọng hiện nay là kích cầu đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và tạo niềm tin cho ngân hàng.” ĐB Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các “điểm nghẽn” của nền kinh tế đã lộ rõ, nhiều nhóm giải pháp đã được đề ra song kết quả còn rất hạn chế. “Tôi cho rằng các giải pháp phải quyết liệt, mạnh mẽ, có tính đột phá hơn thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra” - ĐB Trương Thị Ánh nói.

Cũng thống nhất cần những giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, không chỉ cứu thị trường bất động sản mà phải xốc lại tổng thể toàn bộ nền kinh tế. ĐB Nguyễn Hồng Sơn nói: “Cần giảm thuế cho tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh đến năm 2014. Như thế mới giúp kích cầu mạnh mẽ. Nên thành lập một cơ quan chuyên trách mới có thể nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống cũng như ứng phó và tháo gỡ kịp thời với các vướng mắc, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp...”.

Cần giải pháp mạnh vực dậy nền kinh tế ảnh 1

“Đã đến lúc phải thừa nhận trạng thái thực sự khó khăn của nền kinh tế để có những giải pháp cấp bách. Tăng trưởng đã xuống rất thấp, cùng với đó là đóng băng tín dụng, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, doanh nghiệp phá sản, đời sống sa sút... Có nên chỉ xoay quanh các giải pháp vốn vay, hạ lãi suất vay hay không? Theo tôi, đã đến lúc cần xem xét chuyển trọng tâm sang kết hợp với đa dạng hóa các giải pháp kích cầu”.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội)