Cần có gói cứu trợ an sinh xã hội dành cho công nhân nghèo

ANTĐ - Trong cái rét căm căm của Hà Nội những ngày cuối năm, những người công nhân làm trong các phân xưởng, nhà máy co ro đạp xe giữa trời lạnh, gương mặt buồn rầu u ám nghĩ về cái Tết sắp tới, nghĩ về những khoản chi chưa biết kiếm được ở đâu. 

Nhìn khuôn mặt khắc khổ của chị Nguyễn Thị Hải, khi đang làm việc trên vỉa hè trung tâm huyện Sóc Sơn, gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tôi không khỏi xót xa. Là một công nhân may nhưng xí nghiệp ít việc, chị ra thị trấn làm thêm nghề phụ hồ. Nhưng khi tôi hỏi về cái Tết sắp tới, chị chỉ buông tiếng thở dài “Chẳng mong có Tết, cô ạ. Chồng mất việc, tôi lương còn một nửa…”.

Hoang mang đón Tết

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng dãn thợ, nợ lương tràn lan, thưởng Tết, thưởng cuối năm gần như không có, thậm chí có nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn vì không trả được nợ… Có người lao động cho rằng, chỉ cần trả hết nợ lương cho họ thì coi như đó là thưởng Tết rồi. Song, dẫu cả năm có khó khăn thế nào và người lao động nghèo phải vật lộn kiếm sống ra sao, thậm chí lo từng bữa cơm thì họ vẫn cố lo cho ba ngày tết cổ truyền dân tộc. 

Sáng sớm tinh mơ, cổng KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) tấp nập bóng công nhân chuẩn bị vào ca. Được hỏi về tình hình thu nhập đón Tết 2013 như thế nào, nhiều công nhân lắc đầu “Chúng em vẫn đi làm bình thường, công ty sản xuất kinh doanh khó khăn thì công nhân làm việc cầm chừng, hiện tại chúng em cũng chưa có thông tin gì về việc lương và thưởng nên chưa biết đón Tết như thế nào cả chị ạ”, Thu Hà - công nhân Công ty Canon cho biết. Còn Đức Hùng, công nhân công ty TNHH P.T Việt Nam phàn nàn: “Mọi năm giờ này công ty đã công bố mức thưởng Tết nhưng năm nay vẫn chưa thấy nói gì, gần Tết bao nhiêu thứ phải lo mà chẳng biết xoay xở ở đâu ra nữa cả”. Qua tìm hiểu được biết, không chỉ có công ty  của Hà, Hùng mà đến thời điểm này, tình hình thưởng Tết tại hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn các KCN&CX Hà Nội vẫn khá im lìm. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội, trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải lo kiếm đơn hàng, tạo việc làm trả lương cho NLĐ nên việc thưởng Tết vẫn chưa thể tính đến.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc công ty TNHH Hải Dương cho biết : “Năm 2012 là năm thực sự khó khăn. Chúng tôi phải đi tìm từng hợp đồng, các đối tác cũng khó khăn nên ít nhập hàng hóa và cũng thường xuyên trả chậm. Trả đủ lương cho NLĐ đã là sự cố gắng lớn của DN. Do vậy, đến thời điểm này chúng tôi chưa thể đưa ra con số thưởng Tết chính xác, nhưng chắc sẽ chỉ là gói quà Tết cho có gọi là. Vì khó khăn chung nên rất cần NLĐ đồng cảm chia sẻ cùng DN”.

Tình hình thưởng Tết 2013 tại các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố cũng khá nan giải. Chủ tịch CĐ một công ty xây dựng tại khu vực Mỹ Đình - Hà Nội cho biết, công ty của bà có gần 2.000 lao động, làm việc ở nhiều công ty con và các chi nhánh trực thuộc. Đến thời điểm này, công ty mẹ mới trả được lương đến tháng 5, còn ở các chi nhánh mới trả được lương tháng 3, tháng 4 cho nhân viên. Hỏi về việc thưởng Tết, bà bộc bạch: “Hết năm đến nơi rồi, tình hình rất căng thẳng, lãnh đạo đang cố gắng lên kế hoạch, làm sao từ nay đến Tết âm lịch trả được hết lương tháng 9 cho nhân viên nhưng không biết có thực hiện được hay không. Còn thưởng Tết thì quả thực chưa thể tính được vào lúc này”. 

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 250.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó có nhiều người quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Cả năm lao động vất vả, ngày Tết ai cũng mong muốn được sum họp cùng gia đình ở nơi "chôn nhau, cắt rốn". Tuy nhiên, những người lao động xa quê không phải ai cũng có điều kiện về quê đón Tết bởi gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” và thu nhập thấp. Chị Nguyễn Hương Trà (32 tuổi, quê ở Nghệ An,công nhân công ty giày da) đã có thâm niên làm hơn 10 năm trong nghề, nhưng vẫn chẳng thể có nổi một cái tết sung túc. Chị chia sẻ với chúng tôi: “May mà công ty mình làm năm nay lo được thưởng Tết cho công nhân, nhưng cũng chỉ được một tháng lương”. Căn phòng trọ của chị Trà vô cùng chật hẹp (chỉ khoảng 3 m2, giá thuê 350.000 đồng/tháng), nằm trong một con hẻm ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Tất cả đồ đạc cá nhân, những sinh hoạt thiết yếu như nấu ăn, ngủ nghỉ đều gói ghém trong “hộp diêm” tí xíu đó. Chị Trà phân bua: “Chịu khó ở chật, ăn uống hà tiện, không dám tiêu xài giải trí gì mới có thể dành dụm được chút tiền gửi về cho cha mẹ già, Tết năm nay mình không được về sum họp với gia đình, bởi vé tàu đắt quá, với lại, ở lại thành phố làm thêm dịp Tết có khi lại kiếm thêm được chút tiền”. 

Qua ngày đã khó, nói gì đến Tết

Chị Loan, công nhân công ty Freetrend mỗi lần đi chợ là tới thẳng quầy rau, chị chỉ mua vẻn vẹn một bó rau muống nhỏ, hai nghìn cà pháo và một nghìn mắm tôm. Chị trả tiền, hối hả rời khỏi chợ, không mua gì thêm. Chị buồn rầu thanh minh: “Biết mua thêm gì nữa hả cô? Cái gì cũng đắt đỏ, thỉnh thoảng mới mua thêm bìa đậu phụ và vài lạng thịt, còn bình thường tôi chẳng biết mua gì ngoài rau muống với cà, thời giá tăng thì mình phải biết cắt giảm tối đa, không thì chẳng biết sống thế nào được nữa”. Những công nhân tự nấu ăn, đi chợ phải méo mặt, chắt chiu từng đồng thì những công nhân ăn “cơm bụi”, hoặc “bấu víu” vào bữa ăn tập thể cũng kêu trời khi giá một suất cơm cũng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng, hoặc thức ăn ở công ty ngày một ít cá thịt. Không những phải thắt lưng buộc bụng vì giá gạo, giá thực phẩm tăng nhanh mà CN phải gồng mình gánh giá điện, giá nước, giá phòng vì trăm thứ giá cũng hối hả tăng theo. Tại các khu nhà trọ, giá phòng đồng loạt tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/phòng. Giá điện, giá nước được các chủ trọ tăng vô tội vạ. Chị Oanh, công nhân công ty Freetrend, có 3 đứa con gái. Đứa lớn nhất đang học lớp 4, đứa nhỏ nhất đang gửi nhà  giữ trẻ, chia sẻ: “Tiền học phí của hai đứa lớn năm nay cũng tăng, đứa út gửi ở nhà trẻ, trước đây nếu người ta cho con mình ăn thì phí là 600.000 đồng/tháng, mình nấu cơm đem đến là 400.000 đồng/tháng nhưng bây giờ nhà trẻ bảo là giá thức ăn, đồ uống, cái gì cũng lên nên ngoài phí cũ, họ lấy thêm 200.000 đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng tôi chỉ biết cắn răng mà chịu chứ biết kêu ai?”.

60% số công nhân là dân nhập cư, tất cả chi phí sinh hoạt ăn ở, chi tiêu, gửi gắm về gia đình đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi. Họ đành ăn uống thiếu thốn, kham khổ, chấp nhận sống trong các khu nhà tạm bợ. Không những thế, đời sống tinh thần của họ cũng vô cùng nghèo nàn, mong muốn có một gia đình êm ấm cho riêng mình với họ là một điều xa xỉ. Nhiều người không thể trụ vững với những khó khăn đã lao vào cờ bạc, đề đóm, mại dâm.... Mọi ngang trái đều có nguyên nhân chủ yếu từ chính đồng lương eo hẹp, trong khi giá cả các mặt hàng sinh hoạt đều tăng. Công nhân đa phần đều là người từ các vùng quê nghèo đổ về thành phố với hy vọng kiếm được công việc làm ăn ổn định, tích cóp dư ra gửi về quê giúp đỡ gia đình, nhưng thực tế thu nhập của họ chỉ đủ nuôi thân. Họ không chỉ thiếu vật chất, mà đời sống tinh thần của họ cũng chẳng khá hơn là mấy.

Cần sớm có gói hỗ trợ an sinh xã hội

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thể hiện chăm lo cho công nhân với phương châm “chăm lo đời sống công nhân chính là chăm lo cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững”. Điều này càng khẳng định, chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp chính là hiểu rõ, cảm thông và chia sẻ với công nhân của mình. Tiền thưởng, quà tết dù lớn hay nhỏ căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2012 của mỗi đơn vị cũng đều có một ý nghĩa thiết thực, tạo ra tình cảm ấm áp, gắn bó như trong đại gia đình khi tết đến xuân về trong không khí đón tết cổ truyền dân tộc. Việc Công ty Pouchen (quận Bình Tân) dự kiến dành ra 600 tỷ đồng để thưởng tết cho công nhân, giúp công nhân ở công ty này phấn khởi, an tâm sản xuất và có kế hoạch chuẩn bị tết cho gia đình mình. 

Người nghèo, công nhân lao động nghèo, người có thu nhập thấp dù làm bất cứ công việc lương thiện gì nuôi sống bản thân cũng đều góp phần cho sự phát triển chung của cả nước. Trong những ngày cả nước đón xuân, vui Tết, người lao động nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn… là đối tượng rất cần được sự chia sẻ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Sự quan tâm của xã hội sẽ làm ấm lòng những người quanh năm lao động vất vả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn về kinh tế, giúp họ thêm tin yêu cuộc sống, thêm lạc quan để làm việc và cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước.

Vấn đề hiện nay là cần có một gói cứu trợ an sinh xã hội dành cho công nhân khó khăn trong dịp Tết này. Có thể đó là một khoản cho vay có sự bảo lãnh của doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương, hoặc có thể là một khoản vay tín chấp dành cho dịp Tết cổ truyền. Khoản vay này cũng là một khoản kích cầu xã hội cần thiết trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một động lực tiêu dùng, một cú hích cho nền kinh tế. Theo chúng tôi dự tính, để có sự trợ giúp cho một triệu gia đình công nhân cần có khoản chi khoảng 2000 tỷ đồng. Khoản này hoàn toàn không lớn.