Cân cho bằng cả hai

ANTĐ - Nỗi lo lạm phát “tái phát” là hoàn toàn có cơ sở. Sản xuất còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng lên, sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt là xăng dầu bất ngờ tăng giá “kỷ lục”, cộng với giá điện nhấp nhổm tăng lên, rồi tăng lương cơ bản từ ngày 1-5 tới, trong khi chưa có phân tích nào cho thấy tình hình kinh tế thế giới sẽ sáng sủa. Không ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì không thể tăng trưởng.

Nhưng không duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý thì cũng không thể ổn định được vĩ mô. Làm sao cân bằng được cả hai mục tiêu này?

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc chỉ đạo của Chính phủ trước tình trạng đầu cơ găm hàng cũng như việc tăng giá xăng dầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này trong phiên họp thường kỳ tháng 3. Đối với hiện tượng găm hàng, không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm xử lý nghiêm túc. Trong phiên họp này, Chính phủ rất cân nhắc việc tăng giá xăng dầu sẽ có tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng.

 Theo phân tích của một số chuyên gia, thời điểm tăng giá xăng dầu không có gì là “bất ngờ” vì thời gian qua giá thế giới tăng quá cao, Nhà nước không thể bù lỗ mãi. Tuy vậy, một thực tế khó tránh khỏi là nhiều mặt hàng sẽ mượn cớ tăng giá xăng dầu, tăng lương cơ bản cùng với khả năng sẽ tăng giá điện để “té nước theo mưa”. Như vậy sẽ khó tránh khỏi vòng xoáy lạm phát. Bản thân Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã chịu tác động mạnh từ việc tăng giá xăng dầu.

Nhìn chung, thị trường giá cả sẽ có nhiều biến động do chịu nhiều sức ép của những yếu tố gây tăng giá, không chỉ vì tác động trực tiếp từ tăng giá xăng dầu mà còn do tác động tâm lý dây chuyền.

Thị trường đang “nín thở” chờ đợi tăng giá mới với nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nhóm hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gia cầm đang bế tắc ở cả đầu vào và đầu ra do ảnh hưởng lớn từ dịch cúm gia cầm và tình trạng thịt lợn “siêu nạc”.

Mặt khác, do tăng giá xăng dầu giá bán than điều chỉnh tăng 10% cũng gây áp lực đầu vào của các ngành sản xuất phân bón, xi măng. Đó là chưa kể tới hơn 400 dịch vụ y tế khám chữa bệnh tăng giá không thể không dồn thêm áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng.

Đại diện Bộ Công Thương bình luận, thu nhập người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tiêu dùng chỉ dừng lại ở mức thiết yếu, chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống còn tất cả đều co lại. Tổng quan sức mua thị trường có chiều hướng giảm dù chưa đến mức “ảm đạm”, nhưng là dấu hiệu cảnh báo không thể xem thường. Tiêu dùng trong nước đang “co lại”, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ tuy tăng tới 22%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng thì chỉ tăng có 4,4%, thấp bằng một nửa tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Để tính toán chính xác tốc độ lạm phát tới chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay, có lẽ phải đợi đến hết tháng 4 tới. Thấy trước những khó khăn với nỗi lo ngại lạm phát “trỗi dậy”, Chính phủ vẫn quyết liệt tập trung chỉ đạo “kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” thì mới có được tăng trưởng.