Cần chế tài mạnh để giảm tai nạn lao động

ANTĐ - Trao đổi với báo chí chiều 12-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về  các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng để hạn chế tai nạn lao động, cần chế tài mạnh để răn đe các vi phạm và bảo đảm quyền làm việc an toàn cho mọi người lao động

Cần chế tài mạnh để giảm tai nạn lao động ảnh 1Tai nạn trong thi công công trình thường gây ra những thiệt hại khó lường về người và của

- Hiện nay, tai nạn lao động xảy ra ở nhiều nơi và để lại những hậu quả đáng tiếc, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? 

 - Ông Bùi Sỹ Lợi: Hầu hết tai nạn lao động xảy ra là do không thực hiện đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh an toàn lao động. Các vụ tai nạn lao động xảy ra phần lớn do chủ sử dụng lao động không huấn luyện cho người lao động. Người lao động không nắm được quy định về an toàn, dẫn tới bị tai nạn. Lỗi này trước hết thuộc về chủ sử dụng  lao động. Do vậy, việc sửa đổi Luật an toàn vệ sinh lao động lần này cần quy định các chế tài mạnh, đủ tính răn đe mới phần nào hạn chế được các tai nạn lao động.

- Thưa ông, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ra đời để hỗ trợ người gặp tai nạn lao động, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng quỹ hoạt động chưa hiệu quả? 

- Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong năm quỹ thành phần đã được xác lập trong Luật Bảo hiểm xã hội, nằm trong tổng quỹ Bảo hiểm xã hội. Sắp tới,  chúng ta sẽ mở rộng quỹ này với hai chính sách mới. Đó là sử dụng một phần quỹ để đào tạo lại tay nghề cho những người bị tai nạn lao động không thể làm được công việc cũ, giúp họ chuyển sang công việc khác. Bên cạnh đó, Quỹ còn được dùng để hỗ trợ người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động. Quỹ hiện đang kết dư 16.000 tỷ đồng. Còn nhiều tiền vì chúng ta chưa tái đầu tư cho chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm. Nếu tai nạn lao động giảm, chúng ta cũng nên giảm mức đóng để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. 

- Chính phủ vừa trình  Quốc hội xem xét việc để người lao động tham gia tự nguyện đóng góp quỹ này, quan điểm của ông?

- Chính sách này không khả thi vì công tác quản lý, chi trả ngay trong khu vực có quan hệ lao động còn phức tạp nữa là đối với lao động tự do. Bên cạnh đó, khi bị tai nạn lao động, ốm đau, người lao động thường đi chữa trị bằng thẻ BHYT… Nhà nước nên hỗ trợ người lao động (như hỗ trợ 0,3% trên 1/% lương người lao động phải đóng) nhằm khuyến khích người lao động tham gia quỹ này. Đây chính là biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013: Bảo đảm quyền làm việc an toàn cho mọi người lao động.

Gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật

Bộ GTVT vừa có chỉ thị yêu cầu đơn vị trực thuộc rà soát lại giấy phép thi công, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định đã được nêu trong thỏa thuận thi công và các quy định của Bộ GTVT về an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các công trình giao thông. Trong đó, đặc biệt lưu ý thời điểm thi công, phạm vi, việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Thường xuyên đôn đốc và có phương án bổ sung theo quy định, không châm chước với bất kỳ sai sót nào. Đặc biệt, tuyệt đối không được vì lý do tiến độ mà làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. 

Theo Bộ GTVT, Ban QLDA là cơ quan đại diện chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng về các sai sót. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, Ban QLDA phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật.