“Cần câu” cho người nghèo

ANTĐ - Cả nước đang hối hả chuẩn bị bước vào Tết Ất Mùi 2015. Giữa lúc này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện công tác giảm nghèo đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn giảm nghèo với ưu đãi cho doanh nghiệp tạo việc làm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi “Tiết kiệm chi tiêu, dồn sức cho giảm nghèo”. Lời kêu gọi này quả thực mang nhiều ý nghĩa khi còn rất nhiều người dân thiếu thốn, không lo được một cái Tết đủ đầy. 

Mặc dù đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu, chương trình giảm nghèo thời gian qua, Thủ tướng lưu ý, kết quả chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao. Theo như nhận xét của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện đang tồn tại tình trạng “ba ra, một vào”, tức là cứ ba người dân thoát nghèo, thì lại có một người tái nghèo hoặc người mới lâm vào tình cảnh nghèo. Song, có tỉnh tuy khó khăn vẫn dành nguồn lực cho giảm nghèo, trong khi có nơi chỉ trông chờ ngân sách Trung ương.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thẳng thắn chỉ rõ, có tỉnh rất nghèo, thu ngân sách không đáp ứng nổi 1/10 chi ngân sách, nhưng xây dựng quảng trường hoành tráng hàng trăm tỷ đồng. Nếu số tiền đó để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thì chỉ vài năm địa phương có thể thoát nghèo. Thống đốc Ngân hàng cho biết, khi đi về các địa phương mới thấm thía cái nghèo. Việc xây trường học, trạm xá, làm đường, tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn là những việc làm thiết thực. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ “cho con cá mà thiếu cần câu”. Theo phản ánh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh kết quả giảm chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao, hiện nay chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần phải đẩy mạnh giảm nghèo theo địa chỉ, giải quyết từ gốc nguyên nhân nghèo.

Sau khi yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt hơn nữa việc cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo để tạo ra “cần câu” cho người nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh, hỗ trợ sản xuất là cái gốc của vấn đề. Một là giúp bà con trồng lúa, nuôi bò hiệu quả hơn. Hai là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thông qua doanh nghiệp, Nhà nước không nên đứng ra mở trường dạy nghề thợ may, thợ hồ… bởi thực tế những nơi dạy nghề đó chưa thu hút người nghèo theo học. 

Như vậy, giảm nghèo cần có chiều sâu để giúp người dân thoát hẳn cái nghèo, thay vì chỉ chạy theo bề rộng phong trào. Đó chính là giảm nghèo bền vững, không để người dân nào, hộ dân nào tái nghèo, hướng tới mục đích tốt đẹp của một chính sách xã hội rộng lớn mà nhiều năm nay Đảng, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực theo đuổi.