Cần cảnh giác với việc lợi dụng internet để công kích, làm nhục người khác

ANTĐ - Internet là một môi trường mở, trong đó bất kỳ người nào cũng có cơ hội lên tiếng. Cũng thêm một đặc điểm của môi trường này, với những cơ chế quản lý hiện nay, họ có thể giấu mặt, giấu tên tuổi hoặc hơn nữa giấu cả tông tích nếu lấy địa chỉ từ trang chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Chính điều kiện này, dễ có cảm tưởng có thể nói gì cũng được và không ai có thể truy cứu được trách nhiệm. Và tình trạng vô trách nhiệm, thậm chí là vô đạo lý đã xảy ra. Đáng tiếc, từ một ý kiến trên mạng xã hội, các trang tin và các trang cá nhân đã dẫn lại, chia sẻ, để truyền bá nó, và những ý kiến nhảm nhí dần dần được coi như dư luận xã hội, mặc dù những ý kiến ấy không có căn cứ, đôi khi chỉ là cảm tính của ai đó. Với những vấn đề chung chung, những nhận định ấy có thể xác định được quan điểm chính trị của người phát ngôn và dư luận chân chính dễ bỏ qua. Nhưng với những vấn đề cụ thể, nhất là với các cá nhân, những nhận xét vô trách nhiệm, thiếu đạo đức đã gây ra nhiều bức xúc, thậm chí là kiện cáo ra tòa. Chúng ta đã từng chứng kiến Tòa án nhân dân TP HCM đã tiến hành xét xử một vụ xúc phạm cá nhân trên mạng và phần thua rõ ràng là người đã có những phát ngôn bừa bãi.

Gần đây, chúng ta có nhiều sự kiện xã hội gây bức xúc, thậm chí ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người. Có thể lấy hai sự kiện dịch sởi và kế hoạch cải cách giáo dục làm ví dụ. Đã có những trục trặc, thậm chí là thiếu trách nhiệm trong quá trình trình và giải trình đề án trước Quốc hội của một lãnh đạo Bộ GDĐT. Dịch sởi với những diễn biến không lường được, kết hợp với những sơ suất của cả cơ quan quản lý Nhà nước, của truyền thông và quan trọng hơn là sự chủ quan không đi tiêm chủng của rất đông người dân đã gây ra những tổn thất không nhỏ. Phản ứng của dư luận là điều dễ hiểu. Nhưng cái mà chúng tôi muốn nói, những sự kiện xã hội này lại là những mảnh đất màu mỡ cho những kẻ xấu, những kẻ vô trách nhiệm tấn công và làm hại xã hội.

Họ hướng mũi dùi công kích vào cá nhân lãnh đạo ngành, thậm chí lăng mạ, làm nhục bằng những lời lẽ hàng tôm hàng cá. Không cần quan tâm tới những tiêu chuẩn đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật với tội danh làm nhục người khác. Vấn đề là những công kích này không có một chút cơ sở nào. Ví dụ như thời điểm Bộ GDĐT trình Đề án cải cách giáo dục lên UBTV Quốc hội, Bộ trưởng đang đi công tác xa và khi trở về chính ông đã phải xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để giải thích rõ. Vậy mà những mũi dùi vẫn chĩa vào ông với những lời lẽ không chấp nhận được. Với sự kiện dịch sởi cũng vậy. Mặc dù Bộ Y tế đã có cảnh báo từ rất sớm, nhưng những diễn biến gay gắt của dịch sởi đã gây nhiều thiệt hại nhân mạng. Ngay sau đó bằng sự cố gắng hết sức mình của ngành y tế và cả cá nhân Bộ trưởng, với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, dịch sởi đã được khống chế. Nhưng rất nhiều người, trong đó có cả những người làm truyền thông đã chĩa mũi dùi vào Bộ trưởng Bộ Y tế với những lời lẽ lăng mạ, thậm chí là chửi rủa. Những lãnh đạo ngành cũng là người, cũng biết đau đớn, thậm chí rơi nước mắt vì nhiều nhẽ.

Không những vậy, nhân những chiến dịch chửi bới, phao tin nhảm làm hoang mang dư luận, thậm chí đã gây hoảng loạn ở vài nơi, những chiêu kiếm ăn xấu xa đã được truyền bá trên internet. Sởi là bệnh do vi rút gây ra và hiện nay chưa có thuốc đặc trị sởi. Vậy mà mấy ngày qua, hàng loạt các bài thuốc nam chữa sởi được quảng cáo trên mạng, thậm chí, có những lời quảng cáo vô lý đến căm phẫn như chữa khỏi bệnh sởi cả khi bệnh viện trả về, bài thuốc đã chữa khỏi hàng vạn người. Lại có người lập ra các nhóm từ thiện đi biếu những bài thuốc nam này với danh nghĩa không lấy tiền nhưng chi phí vận chuyển thì đắt hơn cả mua ngoài chợ. Sử dụng các bài thuốc không có tác dụng chữa bệnh, chưa nói đến mất an toàn, quan trọng hơn sẽ làm chậm hoặc mất cơ hội chữa khỏi bệnh cho người bệnh. Đó là hành vi có tội. Chuyện bên ngành giáo dục cũng vậy. Nhân chuyện chi phí soạn sách giáo khoa mới, nhiều nhóm đã quảng cáo cũng như PR cho các kế hoạch xuất bản sách giáo khoa của nhóm mình. Đáng tiếc, những ý kiến ấy vẫn trông chờ chia bôi khoản ngân sách Nhà nước dành cho cải cách giáo dục.

Những công kích vào các cá nhân lãnh đạo ngành, những phản ảnh đầy dụng ý, có thật và cả không có thật, để gây hoang mang, thậm chí hoảng loạn để làm gì? Chắc chắn không phải có ý thức xây dựng, thấy sai lầm và góp ý, thậm chí đề ra giải pháp để khắc phục, đem lại bình yên xã hội, những hoạt động truyền thông mà cả xã hội mong đợi. Những lối làm truyền thông thiếu ý thức trách nhiệm cũng như thiếu đạo đức này đang là những đòn tấn công chính diện vào Nhà nước, vào sự ổn định xã hội.

Xin hãy cẩn trọng!