Cán bộ lại lộ bằng giả

ANTD.VN - Mượn bằng tốt nghiệp THCS của bạn cùng tên để học lên cao, sau đó được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, lên tới vị trí Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh (Hậu Giang), ông Lê Thành Nhân đã phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo và mới đây bị thu hồi, hủy bỏ bằng cấp 3. 

Cán bộ lại lộ bằng giả  ảnh 1Minh họa: Internet

Và với việc không có bằng THPT, ông Nhân cũng đang được xem xét bố trí lại một công việc phù hợp do không đủ tiêu chuẩn của cán bộ công chức Nhà nước. Trước đó, do không tốt nghiệp THCS nên năm 1996, khi là cán bộ xã, ông Nhân đã mượn bằng cấp 2 của một bạn học có cùng tên, cùng năm sinh để hoàn tất làm hồ sơ học lớp trung cấp chính trị. Sau đó, ông tiếp tục học bổ túc văn hóa, đại học, cao cấp chính trị - hành chính và giữ chức Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh.

Có thể thấy một thực tế là ở nước ta, chuyện bằng giả, bằng mượn không phải là hiếm. Bằng giả, bằng mượn được sử dụng từ những vị trí đơn giản như công nhân, nhân viên tự do, giáo viên mầm non… nhưng đáng lo nhất là các công chức Nhà nước. Thậm chí nhiều trường hợp là lãnh đạo chính quyền, cơ quan Đảng, đoàn thể… cũng đã bị phát hiện mượn bằng hoặc nhờ người đi học hộ. Nhưng có lẽ đây chỉ là những vụ “không may bị lộ”, bởi nếu không bị lộ thì chưa thấy ai tự giác nhận lỗi cả. 

Nguyên nhân sử dụng bằng giả thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là quan niệm trọng bằng cấp trong tuyển dụng lao động ở nước ta. Trong các cơ quan công quyền, bằng cấp là điều kiện thiết yếu trong tuyển dụng và bổ nhiệm, nhưng đi kèm với đó còn là những “mảng tối”. Những người không chỉ gian dối bằng cấp mà còn thiếu thực lực, nhưng vì một số lý do nào đó vẫn nghiễm nhiên được vào các cơ quan Nhà nước, leo lên những vị trí quan trọng. Công tác tuyển dụng cán bộ không minh bạch, không công khai, thậm chí có sự dung túng cho những người vi phạm. 

Còn nhớ cách đây vài năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi ấy là ông Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Người học giả, bằng giả, rồi học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức Nhà nước chứ không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”.

Là bởi việc tuyển dụng của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, yếu tố đầu tiên họ quan tâm là năng lực, vì  nếu nhân viên, cán bộ của họ không có năng lực thì thiệt hại trực tiếp đến túi tiền của họ. Còn đối với các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, yếu kém, thua lỗ đã có… Nhà nước chịu, những người tuyển dụng chẳng những không thiệt thòi gì mà có khi còn được một khoản lớn tiền “đi đêm”. Đối với lao động ngoài Nhà nước, tuyển dụng rồi mà năng lực không đáp ứng sẽ lập tức bị đào thải, còn trong Nhà nước, đã “chui” được vào rồi là nghiễm nhiên ngồi rung đùi, hưởng lương. Hậu quả là cơ quan công quyền ỳ trệ, doanh nghiệp Nhà nước thì liên tục thua lỗ…

Qua những cán bộ phát hiện vì dùng bằng giả, chắc hẳn sẽ có những người đang lo lắng, vì nếu “bị lộ”, sẽ có không ít chuyện bi hài xảy ra.