“Căn bệnh mãn tính”

(ANTĐ) - Hôm qua (5-11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương. Thống kê sơ bộ của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTQLKT&CV - Bộ Công an cho thấy, từ năm 2005 đến 2007, đã phát hiện 149 vụ với 231 đối tượng có hành vi cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với số tiền thất thoát trên 677 tỷ đồng; đã khởi tố điều tra 87 vụ gồm 143 bị can, thu hồi tài sản trị giá gần 167 tỷ đồng.

Thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản vốn Nhà nước

“Căn bệnh mãn tính”

(ANTĐ) - Hôm qua (5-11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương. Thống kê sơ bộ của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTQLKT&CV - Bộ Công an cho thấy, từ năm 2005 đến 2007, đã phát hiện 149 vụ với 231 đối tượng có hành vi cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với số tiền thất thoát trên 677 tỷ đồng; đã khởi tố điều tra 87 vụ gồm 143 bị can, thu hồi tài sản trị giá gần 167 tỷ đồng.

“Đừng đẩy trách nhiệm lên Chính phủ”

Trong báo cáo giám sát, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá, nguồn vốn Nhà nước dành cho đầu tư XDCB đã đóng vai trò rất quan trọng và có tính chủ đạo trong việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước...

Tuy nhiên, công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện còn nhiều sai sót, sai phạm, giải ngân chậm. ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Đây là dự luật lớn, phức tạp, Quốc hội đã hai lần giám sát vấn đề này. Đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi, đây là bệnh “mãn tính” rồi. Thiếu sót quá nhiều, thủ tục quá rườm rà, hiệu quả quá thấp…

Phải phân tích rõ tại sao đồng tiền của tư nhân đầu tư lại hiệu quả, trong khi đó đồng tiền của Nhà nước có cả hệ thống pháp lý lại đầu tư không hiệu quả, chậm. Có những giám đốc của Nhà nước kinh doanh lỗ thì được cứu, lãi thì được hưởng... Trong khi số liệu báo cáo thì đa số việc thất thoát là các địa phương. Vậy, tại sao lại đẩy trách nhiệm lên Chính phủ?...”.

Thanh tra các dự án đầu tư xây dựng trong 3 năm, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành và địa phương cả nước đã kiến nghị giảm trừ thanh toán, xuất toán và thu hồi hàng nghìn tỷ đồng. Công tác quyết toán dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hầu hết đều thực hiện chậm, không đúng thời gian quy định. Công tác đầu tư XDCB sử dụng vốn Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quá tải, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Trong khi đó, tiến độ các dự án sử dụng vốn Nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác... Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật về đầu tư XDCB, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông... gây bức xúc trong nhân dân.

Mức độ thiệt hại và thất thoát là nghiêm trọng

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) trăn trở về quy hoạch, sử dụng vốn: “Chúng ta cần có chính sách hợp lý, bền vững, đặc biệt cho các doanh nghiệp tư nhân. Phải giải quyết dứt điểm GPMB để các nhà đầu tư mới có thể làm được, đồng thời cũng để các nhà đầu tư không thể vin vào cớ GPMB để kéo dài thời gian đầu tư...”.

Không nhìn nhận quá rộng về vấn đề đầu tư XDCB nói chung, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) chỉ đưa ra những vấn đề trong lĩnh vực khoa học, đó là đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm hay không trọng điểm.

Ông Dũng cho rằng: “Chúng ta chưa phát huy được hết công suất. ở nước ngoài người ta không đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm dựa trên phòng thí nghiệm cũ, mà đầu tư theo yêu cầu, ví dụ như ở nước ta thì phải đầu tư phòng thí nghiệm về giống lúa, về nông nghiệp.

Nói tóm lại là chúng ta đầu tư chưa trọng điểm và chưa đủ tầm. ĐB Mai Thị ánh Tuyết (An Giang) nhìn nhận khá rõ ràng: “Đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn Nhà nước của chúng ta hiện nay là sản phẩm của quy hoạch chủ quan, quy hoạch treo… thêm vào đó, chất lượng của cán bộ quy hoạch chưa cao. Văn bản pháp luật thì chưa phù hợp thực tế và còn chồng chéo…

Cuối giờ chiều qua, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lưu ý, hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đã góp phần giảm thất thoát của các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên cần phải khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; Coi trọng quy hoạch tổng thể quy hoạch của Nhà nước… chống quy hoạch khép kín, có tầm nhìn.

Công khai quy hoạch theo quy định pháp luật; Trong từng khâu đầu tư xây dựng cơ bản, phải đơn giản hồ sơ giấy tờ, khắc phục phiền hà...; Huy động mọi nguồn vốn, tập trung trọng điểm, đầu tư đồng bộ không dàn trải; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… sửa chữa sai phạm kịp thời, nghiêm minh, bình đẳng, thất thoát phải triệt để thu hồi; Tăng cường giám sát, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cư… bảo đảm tính pháp lý của cơ quan dân cử.

Hà Trang - Vũ Thu