Cần 40 tỷ đồng để giải quyết việc làm

(ANTĐ) - Sau một thời gian nghỉ khá dài, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch hoạt động. Mặc dù chưa có con số thống kê, nhưng tình hình tại một vài trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố cho thấy, số lượng  doanh nghiệp tham gia và nhu cầu tuyển dụng hiện nay giảm đáng kể.

Cần 40 tỷ đồng để giải quyết việc làm

(ANTĐ) - Sau một thời gian nghỉ khá dài, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch hoạt động. Mặc dù chưa có con số thống kê, nhưng tình hình tại một vài trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố cho thấy, số lượng  doanh nghiệp tham gia và nhu cầu tuyển dụng hiện nay giảm đáng kể.

Cần tăng năng lực các sàn giao dịch việc làm để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động
Cần tăng năng lực các sàn giao dịch việc làm để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động

Không chỉ tại các trung tâm giới thiệu việc làm, mà tại một số khu trọ công nhân cũng thưa vắng hơn năm trước. Chị Bùi Thị Tuyết, trọ tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, trước tết cô đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc để nhận trợ cấp hai tháng lương cơ bản khi Công ty Panasonic (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) kêu gọi công nhân tự nghỉ việc, do sản xuất đình trệ.

“Lúc đó, mỗi tháng em chỉ làm khoảng 20 ngày, vì không có việc nên không đủ sống, cả lương và trợ cấp chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vì vậy em quyết định nghỉ việc để nhận hai tháng lương cơ bản được hơn 2 triệu đồng, một phần để lấy tiền tìm việc mới và để về quê ăn Tết. Cả tuần nay, ngày nào em cũng ra bảng thông báo tuyển dụng trước cổng KCN để theo dõi xem các chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chưa tìm được công việc nào phù hợp.

Tuyết cho biết thêm, tại phòng trọ có ba người ở cùng, nhưng hiện có một người vẫn giữ được việc làm tại Công ty Mitsubishi. Bạn cùng phòng còn lại làm cùng công ty với cô cũng đã nghỉ việc từ trước Tết, thấy nói về quê Bắc Giang ăn Tết xong sẽ quay lại nhưng hiện nay chỉ nhắn tin hỏi xem thông tin tuyển dụng thuận lợi thì mới lên.

Cùng khu nhà trọ, chị Nguyễn Thu Hà (quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từng là công nhân của Công ty Canon Việt Nam nhưng đã tự nguyện xin nghỉ việc và nhận tiền trợ cấp sau 4 năm làm việc tại đây. Lên Hà Nội từ mùng 10 để tìm việc làm mới, mấy ngày tìm việc nhưng chưa thấy công ty nào tại KCN Thăng Long có công việc đúng khả năng của mình.

Bảng tin tuyển dụng thưa thớt các chỉ tiêu
Bảng tin tuyển dụng thưa thớt các chỉ tiêu

“Khi vận động công nhân tự xin nghỉ việc, công ty có hứa sẽ nhận lại chúng em vào làm mà không phải qua thi tuyển ngay khi sản xuất đi vào ổn định, nhưng biết đến bao giờ mới ổn định. Công ty còn bắt đầu làm muộn hơn các doanh nghiệp khác đến 2 ngày, chứng tỏ việc làm vẫn còn ít”. Dãy nhà trọ của cô có 7 phòng, hiện nay vẫn còn 1 phòng đóng cửa vì công nhân vẫn chưa lên, còn những người khác đã tìm được việc làm ở trong thành phố.

Theo Trung tâm việc làm Hà Nội, tính đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp đến đăng ký cho phiên giao dịch tháng 2 chuẩn bị mở chỉ có khoảng 60. Bằng thời điểm này năm trước, số lượng doanh nghiệp đến đăng ký là trên 100 và chỉ tiêu tuyển dụng cũng gần gấp đôi.  Đại diện Ban Quản lý các KCN - KCX Hà Nội dự báo, năm nay chỉ tính riêng hơn 400 doanh nghiệp trong các KCN-KCX, có khả năng sẽ cắt giảm khoảng 10% số lao động, tương đương khoảng hơn 8.000 lao động. Vì vậy người lao động sẽ rất khó có cơ hội để chuyển việc làm, nhất là đối với những lao động phổ thông.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH,  qua báo cáo nhanh của 208 doanh nghiệp trong đầu năm cho thấy, ước tính tổng số lao động thiếu việc làm trên toàn thành phố là khoảng 6.000 - 9.000 người, chiếm khoảng 0,7%. Bên cạnh số lao động thiếu việc làm là lao động mất việc làm, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 3.000 người, chiếm 2,2% tổng số lao động của các doanh nghiệp.

Số lao động mất việc tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu thuộc ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp điện tử do đơn đặt hàng từ các nước nhập khẩu giảm mạnh dẫn đến các doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Một số đã cho người lao động nghỉ việc hưởng 70% lương, thậm chí có những doanh nghiệp giải thể  một số bộ phận sản xuất...

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ các giải pháp tạo việc làm. Cụ thể kiến nghị bổ sung thêm nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm từ 10 - 15 tỷ đồng để tăng thêm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động mất việc ở doanh nghiệp khi trở về với xã hội. Đối với Hà Nội, cân đối bổ sung vốn mới để người lao động vay vốn tự tạo việc làm sau khi mất việc làm tại doanh nghiệp khoảng 20 - 25 tỷ đồng... tăng năng lực các sàn giao dịch việc làm để tạo cầu nối tốt hơn  hỗ trợ người lao động tìm việc làm.                            

Huệ Chi

Trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Thông tư số 04/2009 hướng dẫn việc thực hiện các chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người thất nghiệp. Theo đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của lao động:

Cụ thể lao động hưởng 3 tháng, nếu có từ đủ 12 đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; hưởng 6 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng; hưởng 9 tháng, nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và hưởng 12 tháng, nếu có từ đủ từ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên. Ngoài ra, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người thất nghiệp không được hưởng bảo hiểm y tế và phải trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức Bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.