Cảm xúc 36 năm của chiến sỹ CSGT

ANTĐ - Hà Nội đợt tháng 6 nắng nóng như chảo lửa, cái nắng đến khủng khiếp có cảm giác như mặt nhựa trên đường có thể chảy ra được. Xúc động trước hình ảnh nhiều chiến sĩ CSGT phải đày mình ngoài nắng, tôi tìm hiểu về họ thì được các chiến sĩ cho biết chả cứ phải lính tráng mà còn có cả chỉ huy cũng ra đường đứng cả tiếng đồng hồ xem lính của mình phải chịu đựng thế nào. Tôi ấn tượng về thông tin đó, tôi ấn tượng về người chỉ huy đó. Và tôi đã tìm ra người chỉ huy đó là Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh - Đội trưởng Đội CSGT số 7 - CATP Hà Nội.

Hà Nội, những ngày đầu tháng 8, ảnh hưởng cơn bão số 6, mưa lớn, ngập. Tuyến đường Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi mênh mông nước. Tôi gọi điện cho Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh xin một cuộc gặp cuối giờ làm việc vì biết trong giờ anh bận và cũng bởi tôi đã nhiều lần liên hệ và nhiều lần bị anh từ chối. Trả lời tôi, anh nói oang oang trong điện thoại, tôi nghe thấy cả tiếng mưa sàn sạt và tiếng còi xe inh ỏi: “Thách cô vào được đây, đang ngập sâu, nhiều người nhà ở mặt đường còn không vào được nhà. Anh em đang bơi ra để phân luồng, nếu không đường tắc mất”. Mặc dù bị từ chối khéo  nhưng tôi vẫn quyết định gặp bằng được người Đội trưởng này. Chiều muộn, cơn mưa đã ngớt, nước dù vẫn ngập nhưng đã rút bớt phần nào, tôi đến Đội 7 không thấy anh ở phòng làm việc, đoán chắc đang đi kiểm tra. Tôi “phục” ở cổng đội một lúc lâu, thì may mắn anh đã về. Biết không thể “trốn” được nữa, anh giao hẹn đây chỉ là cuộc trò chuyện thôi chứ không phải cuộc phỏng vấn đâu đấy!

Chiến sĩ sẽ phong cho mình cái tôi

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh tóc bạc trắng người cao to vạm vỡ như ông Hộ pháp. Giọng của anh vang sang sảng, cười nói oang oang. Thì ra lúc này tôi mới biết vì sao đồng đội gọi anh với biệt danh “Lĩnh béo”. Anh có cách nói chuyện dân dã xuề xòa, bộc trực, chân thành nhưng cũng rất quyết đoán. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp người đứng đầu Đội CSGT số 7.

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh trước là Đội trưởng Đội CSGT số 12, mới chuyển về đội 7 được 3 tháng. Địa bàn của Đội CSGT số 7 được phân công phụ trách là quận Thanh Xuân và Hà Đông, tính theo chiều dài thì cũng từ  Mai Lĩnh cho tới tận Ngã Tư Sở với 33 chốt giao thông. Đội CSGT số 7 hiện có hơn 100 CBCS căng mình với một địa bàn rộng và phức tạp về giao thông. Song thời gian qua, Đội đã nhận được những tiếng khen của nhân dân. Đường sá đi lại tương đối thông thoáng, bình yên. Đặc biệt chỉ trong vòng có 3 tháng mà đội đã bắt được 1 vụ ma túy và có tới 10 chiếc xe trộm cắp được các chiến sĩ giao thông Đội 7 tuần tra phát hiện, qua đó xác minh nóng tại Cục CSGT để tìm ra chủ sở hữu, rồi lại xác minh tại các phường để tìm CSKV trao trả xe cho người bị hại. Và Đội CSGT số 7 cũng là một trong những đội CSGT đã nhiều lần giúp các cháu nhỏ và cụ già bị lạc tìm về với gia đình. Cháu Nguyễn Năng Nam, SN 2001 ở Hà Nam lên Hà Nội bị lạc… Thật may cho cháu là đã gặp được những chiến sĩ CSGT có trách nhiệm và cháu đã được trở về với người thân của mình. Trước đó, những CSGT ở Đội 7 đã tìm lại gia đình cho một bé gái mới 5 tuổi ở Mậu Lương, Hà Đông. Cháu bé tên Hạnh. Việc tìm gia đình cho bé mới 5 tuổi ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời, lại đang lúc khóc lóc hoảng sợ không nhớ nhà mình ở đâu là điều không hề đơn giản. Song các CSGT vẫn kiên trì động viên cháu và tận tụy tìm được mẹ của cháu. Sau việc làm nghĩa cử này, báo chí đã thông tin về sự cảm động của gia đình cháu Hạnh và những giọt nước mắt của mẹ cháu khi đón con từ tay các CSGT. Tấm ảnh chú CSGT mặc áo màu của nắng đeo quân hàm lấp lánh đang xúc cơm cho một bé gái 5 tuổi ngay tại phòng làm việc đăng trên nhiều trang báo đã để lại những ấn tượng đẹp. 

Tất nhiên, thành tích chung của đơn vị là  sự nỗ lực cố gắng của tập thể CBCS, song tôi nghĩ vai trò của người chỉ huy là rất quan trọng. Cá tính, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh và sự tận tâm với nhân dân của người chỉ huy dù ít dù nhiều cũng có ảnh hưởng tới những CBCS đặc biệt là những chiến sĩ trẻ. Một ai đó trong số rất nhiều người qua lại trên đường nhìn thấy một cháu bé khóc lóc trong hoảng sợ, hay một cụ già cần giúp đỡ cũng có thể làm họ bận tâm, song cũng có thể họ bỏ đi qua. Nhưng nếu là những chiến sĩ công an thì họ không được phép bỏ qua. 

Câu đầu tiên trong cuộc trò chuyện, tôi hỏi Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh: “Nghe nói đợt nóng khủng khiếp vừa rồi, anh cũng lao ra đường đứng cùng với anh em?”. Anh bảo: “Ừ thì mình cũng phải đứng xem anh em nó chịu đựng thế nào. Tôi ra chỗ nóng nhất, vào lúc nóng nhất. Người chỉ huy không phải là người chỉ giỏi về nghiệp vụ mà phải  có chất cư xử với anh em, tận tình, với cán bộ chiến sĩ, sống thật với anh em. Anh em đứng ngoài đường mà chỉ huy cứ ở trong phòng máy lạnh thì anh em nó không phục. Tôi thường xuyên đi kiểm tra để nhắc nhở anh em, để anh em có động cơ tiến bộ chứ không phải nhắc nhở anh em để vì bất cứ cái gì vụ lợi cho bản thân mình. Những lúc đó tuyệt đối không được làm bậy thì anh em lính tráng mới sửa được lỗi sai và như thế người ta mới phục mình. Người chỉ huy mà bắt lỗi anh em vì chuyện này chuyện khác  là một người chỉ huy kém cỏi. Khi mình còn đang làm chỉ huy có thể mình không nghe thấy những điều đó nhưng sau này đến khi về hưu thì mình chỉ nghe thấy tiếng chửi thôi. Không như thế được. Tôi nghĩ vậy và sống như vậy”. Anh còn bảo, biết cách làm giàu thì không có là gì xấu, nhưng đừng kiếm tiền bằng cách này cách khác. Tất cả phải lao động, dù là lao động trí óc hay lao động chân tay miễn là được pháp luật cho phép. Phải lao động mới có niềm vui. Nếu không lao động thì tự nhiên mình sẽ trở thành con người thừa. Tôi lại hỏi anh thế theo anh phẩm chất quan trọng nhất của người chỉ huy là gì thì anh nói luôn đó là sự gương mẫu về đạo đức. Không bao giờ đưa cái tôi lên hàng đầu, tự cán bộ sẽ phong cho mình cái tôi. 

Những kinh nghiệm dân dã 

Tôi biết anh là một người chỉ huy, là một người Đội trưởng có trách nhiệm và tâm huyết với công việc. Mới về phụ trách Đội 7, có một số việc cần phải khép vào quy củ, nền nếp riêng theo cách của mình, nên thời gian đầu anh cũng khá vất vả. Tuy nhà rất gần cơ quan nhưng không mấy khi về nhà. May mà vợ anh cũng quá hiểu công việc của chồng nên chị rất thông cảm. Hai cậu con trai thì đều là công an cả. Đã vào ngành Công an thì chả cứ CSGT đều phải xác định đặt công việc lên trên hết. Nếu như chỉ từ việc rất nhỏ bé trong gia đình nhưng cứ đặt nó ra là ghê gớm thì không bao giờ đạt kết quả tốt trong công việc chính của mình.

Một ngày bắt đầu với người Đội trưởng này từ 5 giờ sáng, dậy tập thể dục, 5h30 điểm danh quân số, để anh em chuẩn bị 6h15 ra đứng bục điều khiển giao thông. Còn chỉ huy sau khi xem xong thời sự buổi sáng là lên đường đi kiểm tra từ Thanh Xuân cho tới tận Mai Lĩnh. Sau đó lại trở về xử lý chồng hồ sơ. Trung tá Lĩnh cho biết, công việc xử lý hồ sơ rất vất vả nhưng cũng rất nhạy cảm. Tránh để lộn xộn và sắp xếp tổ chức khoa học, đồng thời phải có cách để quản lý để “bộ máy” này vận hành hiệu quả. Giao cho một người phụ trách chung. Anh bảo phải có Át cơ thì mới đâu vào đấy và lệnh cho CBCS cứ đúng quy trình pháp luật mà làm, chỉ được làm cái đúng. 

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Thanh Oai - Hà Nội, có lẽ bản chất chất phác của làng quê đã ngấm vào con người anh nên anh thường giải quyết công việc theo cách riêng của mình nhưng lại ổn thỏa hợp lý và rất có tình. Nhiều lúc tôi phải bật cười khi nghe anh kể chuyện xử lý vi phạm giao thông ở những vùng nông thôn. Anh bảo người dân mình có bản tính hay tranh cãi, nhiều người lại thiếu hiểu biết luật giao thông, họ cứ hồn nhiên hiểu rằng, có xe máy là được quyền đi mà không cần biết  Luật Giao thông nên đến khi vi phạm họ cũng không biết mình phạm lỗi gì. Hoặc nếu có nhận ra lỗi thì lại cho đó là chuyện rất bình thường có thể cho qua không việc gì mà phải phạt. Và hễ cứ bị phạt là họ lại xin, một người xin, nhiều người cùng xin. Có lần, khi làm nhiệm vụ, nhiều người dân vi phạm nhưng nhất định không chịu ký vào biên bản mà cứ một mực xin. Yêu cầu nhân chứng ký biên bản họ cũng không nghe vì là người dân quê thường có quan hệ làng xóm họ hàng nên quyết “bảo vệ” nhau đến cùng. Không còn cách nào khác, anh nói với những người vi phạm: “Thưa các bác, các anh các chị, việc bảo vệ tính mạng của các bác, các anh các chị là nhiệm vụ buộc chúng tôi phải thực thi cho đúng chức năng nhiệm vụ. Tôi muốn hỏi các bác hai câu hỏi: Câu thứ nhất: Nếu đặt địa vị các bác vào chúng tôi thì các bác giải quyết thế nào? Câu hỏi thứ hai: Các bác xem nếu tôi là người con gái mà tất tật các trường hợp nào đến tôi cũng cả nể “giải quyết” thì một tháng tôi phải vào… bệnh viện mấy lần?”. Nghe anh nói vậy, tất cả đều cười um lên, rồi cũng đồng ý ký vào biên bản vi phạm. 

Sau việc này, anh rút ra một bài học cho mình là khi được người dân hiểu và thông cảm thì công an mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và anh càng thấm thía lời dạy của Bác: ngày xưa làm cách mạng nhân dân giúp ta nhiều thì ta thắng lợi nhiều, nhân dân giúp ta ít thì ta thắng lợi ít. Nhân dân có hàng chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Anh còn bảo rằng chả tội gì mà không tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, đôi lúc ta đói dân còn cho ăn, dân còn nấu cơm, sưởi ấm cho chúng ta vậy sao không tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân. Anh cũng lên án việc bắt chẹt dân dù số đó chỉ là rất ít, nếu những anh cố tình bắt chẹt người dân thì cũng phải “tính chuyện” với anh đó không để trong đơn vị được. 

Đến bây giờ khi đứng ở cương vị của người chỉ huy, anh vẫn thường xuyên giáo dục những chiến sĩ trẻ của đơn vị mình khi xử lý vi phạm không gì bằng tôn trọng lễ phép với nhân dân. Cần phải có thái độ ứng xử có văn hóa từ cả phía người dân và cả lực lượng CSGT. Tâm lý những người bị kiểm tra giấy tờ thường khó chịu, song CSGT cũng cần phải bình tĩnh, kiên trì, nắm chắc nghiệp vụ và quan trọng nhất là phải khiêm tốn nhắc nhở người dân đúng mực. Trong cuộc họp đơn vị, anh vẫn nói với chiến sĩ trẻ: “Lời nói không mất tiền mua, CSGT khi kiểm tra bất kỳ người dân nào, đặc biệt là người lớn tuổi thì phải chào và xin phép bác cho tôi được kiểm tra. Và thông qua công tác kiểm tra thông báo cho họ biết về những lỗi vi phạm. Còn nếu không vi phạm thì phải cảm ơn bác, chúc bác đi an toàn. Nói như vậy thì ai nỡ mà không chấp hành”.

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh trước đây cũng đã từng là “khắc tinh” của các lái xe sử dụng bằng giả. Trên tuyến đường anh phụ trách thời điểm đó rất nhiều lái xe chưa từng qua trường lớp đào tạo ngày nào, vốn chỉ là anh lái công nông, hoặc là người đánh xe ra xe vào ở các bãi xe nhưng đã mua bằng giả và trở thành những lái xe khách đường dài. Anh là người kiểm tra, phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ sử dụng Giấy phép lái xe giả khiến tình trạng sử dụng bằng lái giả đã giảm đi đáng kể. Có lần kiểm tra bằng lái của một lái xe tải, anh khẳng định chắc chắn đó là bằng giả, nhưng lái xe cứ khăng nói là bằng thật vì nhiều khi bằng giả làm rất tinh vi mắt thường khó phát hiện và cũng không thể chứng minh ngay tức khắc. Anh liền hỏi lái xe, thế anh học lái xe ở trường nào, lý thuyết thi bao nhiêu câu? Lái xe trả lời: thi lý thuyết trăm câu. Anh nửa đùa nửa thật nói với lái xe rằng: “Chắc bố cháu học ở bên Pháp?”. Lái xe biết mình đã sai, đành chữa ngượng: “Bác biết thừa bằng của cháu là bằng giả rồi còn gì”.

Tôi yêu, rất yêu nghề CSGT!

Trong câu chuyện của tôi với Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh tôi thêm hiểu hơn công việc của người CSGT. Công việc đó không phải chỉ có tuýt còi và thổi phạt vi phạm như nhiều người vẫn nghĩ về nghề CSGT. CSGT ngoài việc phải đứng khói bụi mưa gió trên đường để điều khiển giao thông, tuần tra kiểm soát giao thông thì họ còn phải đối mặt với những nguy hiểm, thậm chí là cả cái chết. Không chỉ các đối tượng vi phạm giao thông chống lại lực lượng CSGT mà đã có rất nhiều CSGT hy sinh vì sự tấn công của tội phạm ma túy, cướp giật. Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh cũng hai lần hút chết vì tội phạm ma túy. Một lần anh làm chỉ huy một chuyên án bắt đối tượng vận chuyển 22 bánh heroin. Đối tượng này rất nguy hiểm đã mấy lần công an bắt đều bị xổng và lúc nào cũng sẵn trong người vũ khí nóng. Anh đề xuất dồn đối tượng đi lên cầu Xuân Mai, sau đó bố trí hai xe áp đầu cầu, hai xe khóa đuôi. Khi xe của đối tượng đi đến cầu sẽ khép lại buộc đối tượng không còn con đường nào khác phải dừng xe trên cầu. Sự việc diễn ra đúng như kế hoạch. Đối tượng đã phải dừng xe trên cầu Xuân Mai. Tuy nhiên vẫn chốt cửa và nhất định không chịu xuống xe.

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh là người đầu tiên tiến đến đầu xe của đối tượng, thì thấy đối tượng một tay cầm lựu đạn xanh lè, và một khẩu súng K54 vì đã biết mình đang vào cửa chết nên hắn sẵn sàng chống trả. Biết đối tượng có khả năng sử dụng vũ khí, trong khi người dân hiếu kỳ vẫn cố tình chạy ra xem. Anh hô tất cả dân vào nhà, công an nằm sấp xuống và lệnh cho bắn xịt tất cả các lốp xe của đối tượng. Bất thình lình đối tượng rồ ga mạnh, cắm số lùi làm động tác giả để đội hình giãn ra, rồi quay ngoắt 180 độ phóng xe chạy hướng Hòa Bình, chạy 150 mét thì xe bị vò nát toàn bộ la-răng, đối tượng nhảy xuống xe quăng một quả lựu đạn vào xe công an đang lao đuổi theo nhưng may mắn không có ai bị thương. Một chuyên án ma túy khác, xe của anh đuổi theo đối tượng chạy lên Lương Sơn, Hòa Bình. Sau một hồi rượt đuổi, xe đối tượng văng xuống ruộng, xe công an chỉ cách chừng 4 mét là lao xuống thung lũng, may mà đánh tay lái kịp thời vào taluy đường. Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh cho biết, bắt bọn tội phạm ma túy, cướp giật trên tuyến là hết sức khó khăn, phức tạp vì tuyến đường mà đơn vị anh phụ trách là tuyến nối liền các tỉnh Tây Bắc từ Lào về với cửa ngõ Thủ đô, các đối tượng vận chuyển ma túy thường đi theo tuyến đường này. Hơn nữa bắt giữ trấn áp tội phạm trên đường, hoặc trên xe khách, rất đông người dân, nếu không có phương án kế hoạch cụ thể thì rất có thể đối tượng sẽ gây nguy hiểm cho nhân dân, không đảm bảo an toàn cho lực lượng. 

Suốt 36 năm với nghề CSGT ở trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, từ điều khiển giao thông, điều tra xử lý tai nạn, biệt phái đi chống tội phạm trên tuyến, lên các vùng núi cùng các trinh sát hình sự bắt các đối tượng trấn cướp trên xe khách… Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh đã nhiều lần đối mặt với nguy hiểm, nhiều lần hút chết, nhiều lần đối mặt với những tình huống khó xử, cũng nhiều lần cảm thấy buồn khi người dân chưa hiểu hết và thông cảm với nhiệm vụ của người chiến sĩ CSGT.  Anh tâm sự, có những khi đứng nắng cháy da cháy thịt ở ngoài đường mà một số người dân không chịu chấp hành luật Giao thông và còn có những phản ứng thiếu văn hóa với lực lượng làm nhiệm vụ. Lúc ấy cảm thấy cũng chạnh lòng, phân tâm suy nghĩ mình cũng học hành tử tế, đào tạo chính quy mà lại phải ra đứng ngoài đường, còn người ta lại được làm việc trong phòng mát mẻ lại còn tự trao cái quyền được xúc phạm những người thực thi nhiệm vụ. Nghĩ vậy, song cũng chỉ là trong chốc lát thôi. Niềm vui và cảm xúc của người CSGT trở lại ngay khi thấy trên tuyến đường mình phụ trách từng dòng người lại hối hả xuôi ngược đi lại an toàn. Nhiều lúc đứng trên đường anh cứ nghĩ ngợi rồi đặt mình vào những người dân, những công chức viên chức, đã đến giờ làm việc nhưng vẫn còn ở trên đường vì tắc đường, họ bị chậm đến những nơi họ cần đến thì bị thủ trưởng và bao nhiêu con mắt nhìn vào coi là kẻ trì trệ. Mình cũng vậy, mặc dù mình đã cố gắng hết sức mà lại bị coi là một kẻ trì trệ thì làm sao chịu được. Nghĩ vậy nên anh lại thông cảm được ngay với những bức xúc của người dân và lại thấy mình phải cố gắng khắc phục khó khăn hơn nữa để đảm bảo cho đường được thông thoáng, người dân đi lại thuận tiện.

 Cảnh sát giao thông một nghề nguy hiểm, nhiều áp lực, thậm chí là nghiệt ngã. Mỗi khi nghe tin một đồng chí CSGT phải ngã xuống giữa thời bình, lại mỗi khi nghe dư luận thông tin một CSGT phiền hà nhũng nhiễu người dân, anh cảm thấy đau xót vô cùng. Anh bảo trong làng xóm mình có anh tốt anh xấu, trong một gia đình cũng có người tốt người xấu, và trong một bàn tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Và cũng khó tránh khỏi việc có một số người đã làm việc không đúng, làm buồn cho đơn vị, làm mất đi hình ảnh đẹp của người CSGT trong con mắt người dân. Quá trình đào tạo và quá trình đào thải đó là quy luật tất yếu, đồng chí nào đứng vững thì trụ được với nghề, ai không đứng vững được buộc phải bị đào thải. Song đó chỉ là con số ít, trong lực lượng CSGT vẫn còn rất nhiều các đồng chí hết lòng tận tụy với nhân dân, hy sinh cả tính mạng của mình vì sự bình yên cho nhân dân…

Tôi hỏi Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh một câu cuối cùng: Suy nghĩ của anh sau 36 năm gắn bó với công việc của một CSGT là gì? Anh nói rằng: Tôi bắt đầu vào trường Đại học Cảnh sát từ năm 1977, 36 năm đi qua kể từ khi ngồi ghế nhà trường, cũng đã sắp đến lúc nghỉ hưu rồi, tôi cũng còn nhiều việc chưa làm được vì sức người có hạn. Song với cá nhân tôi lúc nào tôi cũng yêu ngành Công an và yêu nghề CSGT. Yêu, và rất yêu!