Cám cảnh người thầy giáo kể tội em trai giữa… công đường

ANTD.VN - Với lá đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, ngày 12-12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét lại tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104 đối với Nguyễn Tiến Bẩm (SN 1966), trú ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội. Ngồi ở hàng ghế phía sau là người bị hại - ông Nguyễn Tiến Bảy (SN 1961), trú cùng huyện Ứng Hòa.

Khi anh em không bảo dược nhau

Và không chỉ là anh ruột của bị cáo, ông Bảy còn là thầy giáo của một trường THPT. Tương tự, ở thời điểm thổi bùng lên vụ án “nồi da nấu thịt” này, bản thân Bẩm cũng đang là một nhân viên làm việc trong một ngôi trường tiểu học tại địa phương.

Ngoài ra, góp mặt ở phiên tòa còn một số người là thân thích của cả bị cáo lẫn bị hại. Dù tất thảy những người này đều rất “kín tiếng” nhưng không khó để nhận ra, giữa bị cáo và ông Bảy đang có một bức tường vô hình ngăn cách. Trong tư cách pháp định, họ buộc phải ra hầu tòa với những tâm thế và tâm trạng trái ngược nhau.

Bị cáo Nguyễn Tiến Bẩm tại phiên tòa phúc thẩm

Câu chuyện đau lòng, khiến một thầy giáo buộc phải kể tội chính em trai mình giữa chốn công đường thực sự bùng phát vào chiều 26-11-2015. Khi đó, ông Bảy đang đứng nói chuyện với người thợ mộc và chị dâu ở xưởng gỗ của gia đình thì Nguyễn Tiến Bẩm bất ngờ phóng xe máy đến.

Thấy em trai đi thẳng vào ngôi nhà chung sát nhà mình (nhà do bố mẹ để lại), ông Bảy cũng lững thững đi sang. Từng nhiều lần khục khoặc nhau xoay quanh câu chuyện sử dụng ngôi nhà do bố mẹ để lại nên ông Bảy lên tiếng trước: “Đây là nhà đang tranh chấp, chú không được vào”.

Đáp lời anh trai, Bẩm sẵng giọng nói hỗn, rồi nhấc tấm gỗ chắn ngang lối đi từ xưởng mộc của anh trai sang ngôi nhà chung. Vì tấm gỗ vô tri vô giác đó, anh em ông Bảy cứ thế giằng co, rồi lao vào vật lộn nhau. Bất giác, Bẩm rút con dao nhọn trong túi quần ra đâm liên tiếp vào mặt và người anh trai.

Những cú đâm dao của Bẩm lên cơ thể anh trai chỉ dừng lại khi lưỡi dao bị cong gập lại và người thợ mộc của gia đình ông Bảy giằng được hung khí vứt đi. Kế đến là những người xung quanh biết chuyện vội ùa đến can ngăn cuộc ẩu đả.

Gây tổn hại 7% sức khỏe của anh trai, thế nên khép lại vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, TAND huyện Ứng Hòa đã quyết định tuyên phạt Bẩm 6 tháng tù giam, theo đúng tội danh mà bị cáo bị truy tố. Kèm theo đó còn là vấn đề bồi thường thiệt hại, nhưng do ông Bảy không yêu cầu nên tòa án không giải quyết.

Bị cáo đã quá lạm dụng tình cảm

Diễn biến vụ án đơn giản chỉ là vậy. Thế nhưng khi tận tai nghe rõ từng lời tố cáo của ông Bảy về đứa em trai của ông mới thấy, câu chuyện hết sức buồn lòng này còn chất chứa rất nhiều điều mà không dễ gì đem ra phán xét ở đây.  

Vì rằng trên thực tế, mối bất hòa giữa ông Bảy với em trai vốn đã âm ỉ trước ngày xảy ra vụ án từ khá lâu. Và trong số hàng chục anh, chị, em của ông Bảy (kể cả dâu lẫn rể, trong đó một số người không còn) đã sớm hình thành ra những “phe phái” khác nhau.

 Thế nhưng do khuôn khổ của vụ án nên trước tòa, người thầy giáo bị em trai đâm dao thành thương chỉ trình bày những gì liên quan nhất. Theo đó, ông Bảy khẳng định, xô xát giữa ông và Bẩm vốn xảy ra vào dịp đại gia đình ông họp bàn về chuyện cải táng phần mộ của mẹ. Song nguyên nhân thực chất và sâu xa là chuyện đất cát, nhà cửa do cha mẹ ông để lại.           

Cụ thể,  năm 2004, ngày mẹ ông Bảy còn sống, anh trai ông này là người bỏ tiền ra xây dựng ngôi nhà 3 tầng thay thế ngôi nhà cấp 4 dột nát cho mẹ và đồng thời cũng là để vợ chồng, con cái ông có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi về thăm nhà. Năm 2011, mẹ ông mất nhưng không để lại chúc thư.

Kể từ đó, Bẩm cứ giữ khư khư chìa khóa nhà chung với ý đồ chiếm dụng. Ông Bảy tố cáo thêm, xoay quanh câu chuyện tranh chấp nhà đất của bố mẹ để lại, không chỉ có ông mà ngay cả người chị dâu cùng đứa cháu trai (con trai người anh cả) cũng từng bị Bẩm đánh thành thương và đã bị xử lý hành chính.

Riêng ông, lần bị Bẩm đâm dao vào mặt chiều 26-11-2015 là lần thứ 3 và khi ấy bị cáo còn kéo lê ông trên mặt đất tới cả chục mét. Những lần trước, khi thì ông bị Bẩm ném chiếc chén uống nước vào mặt, khi thì lại bị bị cáo dùng chai xăng phóng hỏa bất thành.

Ngoài ra, ông Bảy cho rằng Bẩm còn vu vạ ông rất nhiều điều tiếng xấu. Vậy nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Bẩm chưa một lần có thái độ xin lỗi. “Tôi sẵn sàng chấp nhận cả việc bị cáo xin lỗi theo kiểu “làm hàng” nhưng cũng không có. Điều đó cho thấy, bị cáo rất vô trách nhiệm với hành vi gây ra” – ông Bảy dằn lòng.

Dứt lời, ông Bảy nhìn nhận: “Chú ấy rất côn đồ. Và theo tôi nếu là người ngoài, chắc chắn bị cáo không dám làm vậy. Chú ấy đã quá lạm dụng tình cảm anh em, ruột thịt để làm bậy”. Từ đó, ông Bảy đề nghị cấp tòa phúc thẩm giữ nguyên hình phạt tù giam đối với bị cáo.

Mở tòa và trước thái độ của bị hại, HĐXX phúc thẩm khuyên giải, ông Bảy cần suy nghĩ thật kỹ. Bởi ý chí của ông sẽ là căn cứ quyết định khiến bị cáo phải ngồi tù hay được hưởng án treo. Phân tích về mối quan hệ nhân thân, tòa cho rằng: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Hơn nữa, giữa ông và bị cáo còn là “máu mủ ruột già” với nhau.

Mặt khác theo HĐXX, sâu xa hơn, bị hại cần phải thấy được rằng mục đích của việc em trai phải ngồi tù là để làm gì. Điều đó có hóa giải được mối bất hòa hay không hay nó sẽ càng khoét sâu thêm nỗi đau gia đình và hơn nữa nó còn có thể gây ra mối thù tức cho những thế hệ sau.

Nghe tòa giải thích, ông Bảy tỏ rõ là người rất thấu hiểu sự tình cũng như hệ quả tiếp theo. Thế nhưng “chốt lại” vụ án, bị hại một lần nữa bày tỏ thái độ bị cáo phải vào tù. Vì theo ông Bảy: “Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn trong giáo dục con người. Nhưng đôi khi nhân văn quá dễ dẫn tới phản tác dụng”.

Và lẽ dĩ nhiên với quan điểm nêu trên của bị hại thì HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội dù không mong muốn vẫn buộc phải đi đến quyết định bác kháng cáo của bị cáo. Điều này đồng nghĩa Nguyễn Tiến Bẩm vẫn phải chấp hành 6 tháng tù giam, theo đúng tội danh mà bản án sơ thẩm đã xác định.  

(Tên bị hại đã thay đổi)