Bức tường rào bị đập phá và sự quyết liệt ở vụ án "nồi da nấu thịt"

ANTĐ - Mảnh đất tranh chấp và đang được xem xét giải quyết, song Long lại  thuê người đập phá bức tường rào của gia đình cậu ruột. Và dù giá trị tài sản bị hủy hoại không lớn nhưng những người thân thích trong  gia đình này vẫn không muốn “nhìn thấy mặt nhau”.

Bị cáo kêu oan, bị hại dọa tự thiêu tại tòa

Theo đơn kháng cáo từ cả hai phía, ngày 17-5, TAND TP Hà Nội đưa Trần Thanh Long (tức Kiểm, SN 1987, trú ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra xét xử về tội “Hủy hoại tài sản”, theo trình tự phúc thẩm.

Liên quan, Nguyễn Ngọc Vượng (SN 1986) , Nguyễn Văn Kính (SN 1956) lần lượt là anh họ, bác ruột của Long và cùng trú ở phường Đại Mỗ cũng đã bị cấp tòa sơ thẩm  khép vào tội “Hủy hoại tài sản”, theo khoản 1, Điều 143-BLHS.   

Bị hại trong vụ án là gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1969), cậu ruột bị cáo Long và cũng trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo hồ sơ vụ án, gia đình ông Toàn bị các bị cáo hủy hoại bức tường rào có giá trị hơn 3 triệu đồng.

Các bị cáo trong vụ hủy hoại tường rào, tại phiên tòa phúc thẩm

Bản án sơ thẩm của TAND quận Nam Từ Liêm xác định, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai giữa anh em bị cáo Nguyễn Văn Kính và bị hại Nguyễn Văn Toàn nên chiều 20-6-2010, Trần Thanh Long cùng 2 đối tượng (không rõ lai lịch) mang búa đến nhà cậu ruột đập đổ bức tường rào với chiều dài 5,5m và chiều cao 2,3m.

Cùng thời điểm, Nguyễn Ngọc Vượng cũng có mặt và khi bức tường rào của nhà ông Toàn còn một đoạn thì bị cáo này dùng chân đạp đổ nốt. Phá hủy tài sản của gia đình cậu ruột xong, hai bị cáo đều khỏi hiện trường.

Về phía Nguyễn Văn Kính, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định, tuy không có mặt tại hiện trường vụ hủy hoại tài sản, song bị cáo này lại có một vai trò rất quan trọng. Cụ thể, trước đó 1 ngày, bị cáo Kính đã “xúi” chị và em gái (mẹ Vượng và mẹ Long) sai con cháu đến đập phá tường rào của gia đình em trai.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-6-2015, mặc dù bị cáo Vượng thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra ban đầu, còn bị cáo Kính thì nhất quyết chối bỏ vai trò khởi xướng trong vụ án nhưng HĐXX vẫn khẳng định Trần Thanh Long cùng đồng phạm đã phạm tội “Hủy hoại tài sản”.

Cá thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo, Tòa án quận Nam Từ Liêm đã lần lượt xử phạt Trần Thanh Long cùng anh họ, bác ruột từ 6 tháng tù đến 12 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo, theo đúng tội danh bị truy tố.

Vụ án khép lại ở giai đoạn sơ thẩm, song không chỉ có 3 bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt mà gia đình ông Toàn cũng lập tức có đơn chống án yêu cầu tăng nặng hình phạt với người thân, đồng thời đề nghị cơ quan pháp luật xử lý hình sự cả 2 chị gái là mẹ bị cáo Long, mẹ bị cáo Vượng.

Đáng nói là ngoài gửi kháng cáo tới TAND quận Nam Từ Liêm, ông Toàn còn đệ đơn tới nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Trong đơn, bị hại còn “đe dọa” các cơ tố tụng rằng nếu các đối tượng phạm tội không bị xử lý nghiêm minh thì ông Toàn sẽ tự thiêu ngay tại tòa án.        

Hủy án vì không thể làm rõ nhiều tình tiết

 Với bức tường bị đập phá chỉ có giá hơn 3 triệu đồng như đã nêu ở trên nhưng vụ án Trần Thanh Long cùng đồng phạm hủy hoại tài sản của gia đình người thân từ giữa năm 2010 vẫn chưa thể kết thúc. Bởi tại phiên tòa phúc thẩm đã bộc lộ rất nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ.

Theo đó, tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị hại là ông Nguyễn Văn Nhượng (anh trai ông Toàn) thừa nhận, bức tường bị đập phá vốn được xây dựng trên mảnh đất đang có tranh chấp giữa ông Toàn cùng một số anh chị em khác trong gia đình. Và thực tế, bức tường được hình thành từ sự đóng góp của nhiều người, trong đó có bị hại.

Thế nhưng về sau, bức tường rào đó đã được các anh, chị em liên quan giao quyền cho ông Toàn quản lý và sử dụng. Về nguồn cơn dẫn đến vụ án, ông Nhượng cho rằng nguyên nhân sâu xa là do bị cáo Kính muốn trả thù ông Toàn vì trước đó bị hại từng tố cáo bị cáo vi phạm trật tự xây dựng lên xã.

Tương tự, một số chị gái của ông Toàn cũng muốn buộc bị hại phải tiếp tục chia cho một nửa mảnh đất 5% (khoảng 160m2) mà gia đình bị hại đã sử dụng ổn định suốt hàng chục năm qua. Trước tòa, ông Nhượng cũng khẳng định, hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục xem xét giải quyết mảnh đất có bức tường bị phá hủy.

Về phía các bị cáo, khi vụ án bị điều tra, Long khai sở dĩ  thuê người, đồng thời trực tiếp đập phá bức tường rào của gia đình cậu ruột là theo mong muốn của mẹ đẻ đối tượng. Và chính bị cáo Kính đã bàn bạc, chỉ đạo mẹ Long thực hiện việc này.

Vậy nhưng vào cuối giai đoạn điều tra cũng như cả 2 phiên tòa, Long lại thay đổi lời khai khi nại ra là tự ý đập bức tường của gia đình ông Toàn để nuôi gà chọi. “Quá trình đập tường của gia đình ông Toàn không có bị cáo Vượng và bị cáo Kính tham gia” – bị cáo Long quả quyết trước HĐXX phúc thẩm.

Giữ vai trò khởi xướng, bị cáo Kính trình bày không liên quan đến vụ án. Vì thực tế mảnh đất mà gia đình ông Toàn bị một số anh chị em tranh chấp, bị cáo không hề có quyền lợi gì liên quan. Mặt khác, lúc vụ đập phá tường xảy ra, bị cáo đang  thăm người ốm ở Hà Đông.

Trong khi đó quá trình điều tra, các em gái của Kính trình bày rằng chính bị cáo là người “giật dây” việc hủy hoại bức tường của gia đình ông Toàn. Ngoài ra, với tư cách nhân chứng, vợ bị cáo Kính từng quả quyết thời điểm Long thực hành tội phạm, chồng bà này đang đi loanh quanh ở gia đình hàng xóm.

Đối với bị cáo Vượng thì trình bày chỉ tình cờ sang nhà bà ngoại chơi ngay sau khi Long vừa đập phá xong bức tường rào nhà ông Toàn. Bị cáo không biết và cũng không hề dính líu đến vụ án  này. Tuy nhiên, ở thời điểm bức tường nhà ông Toàn bị phá hoại, một nhân chứng cho rằng Vượng cũng tham gia.

Ngoài những lời khai “đối chọi” nhau như nêu trên, quá trình xét xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội cũng nhận thấy còn rất nhiều tình liên quan đến vụ án chưa được làm sáng tỏ. Trong khi tại phiên tòa thứ hai này, HĐXX không thể khắc phục. Do đó, Tòa án Hà Nội đi đến quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Nam Từ Liêm để điều tra, xét xử lại từ đầu.