Những bác sĩ Hà Nội tuổi 9X tình nguyện ở lại biên cương:

Cải thiện y tế vùng cao, khó nhưng có thể làm được!

ANTĐ - Thực ra, trước khi có chương trình đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo, với nỗ lực và trách nhiệm của mình, ngành y tế các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã và đang từng bước đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Song để công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng cao tốt hơn, đảm bảo được mục tiêu công bằng y tế trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, chỉ nỗ lực thôi là chưa đủ…

Cải thiện y tế vùng cao, khó nhưng có thể làm được! ảnh 1Thiếu bác sĩ khiến công tác chăm sóc sức khỏe bà con ở Điện Biên còn hạn chế

Thiếu người, thiếu cả cơ chế

Nói về công tác y tế 9 tháng đầu năm 2014, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên Triệu Đình Thành tự hào cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tuy diễn biến phức tạp nhưng đều được khống chế sớm. Vấn đề nhân lực y tế đang gặp khó khăn song nhờ thực hiện Đề án 1816, trong 9 tháng đầu năm, ngành y tế Điện Biên đã tiếp nhận 10 lượt bác sĩ và kỹ thuật viên của Bệnh viện Việt Đức lên nghiệm thu chuyển giao 2 kỹ thuật, các đơn vị tuyến tỉnh tăng cường 33 cán bộ cho Trung tâm Y tế các huyện khó khăn, nhờ đó phần nào đã đáp ứng được chất lượng công việc…

Dù vậy, trực tiếp thị sát tại 2 huyện nghèo Mường Ảng, Mường Nhé mới thấy, khó khăn trong đáp ứng y tế và tiếp cận dịch vụ y tế của người dân các khu vực vùng cao, vùng sâu trên thực tế lớn hơn rất nhiều. Một mặt do địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, khoảng cách đi lại từ các bản về trung tâm y tế huyện hay thậm chí trạm y tế xã rất xa nên hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Rồi thói quen chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh của bà con nơi đây còn rất yếu. Ở 2 huyện này, 98% dân số có thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, đi khám chữa bệnh gần như được miễn phí hoàn toàn, song do nhận thức chưa đầy đủ, các hủ tục vẫn tồn tại nên không ít bà con dân tộc ốm đau chưa tìm đến cơ sở y tế. Chẳng hạn ở Mường Nhé, không ít phụ nữ Mông, Hà Nhì khi đẻ nhất quyết không chịu đến bệnh viện, “không cho ai động vào mình” trừ cô đỡ thôn bản. Số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh rất thấp, tỷ lệ thôn bản được công nhận Cộng đồng không phóng uế bừa bãi đạt chưa đầy… 1%. Chúng tôi vào thăm 3 nhà người Mông ở xã Nậm Kè, cả 3 hộ dân đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh… 

Mặt khác, nguồn nhân lực y tế ở hầu hết các huyện đều thiếu, chuyên môn trình độ yếu nên khả năng cung ứng dịch vụ y tế thấp, trong khi chính sách thu hút y bác sĩ về công tác cũng không có nhiều ưu đãi. Bác sĩ Lường Văn Thương, khoa Hồi sức cấp cứu – Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên anh tình nguyện lên đây công tác và lập gia đình, định cư tại Mường Nhé. Ngoài khoản lương được hưởng theo chính sách ưu đãi của Nhà nước thì không còn khoản hỗ trợ nào khác. Bản thân vợ chồng anh vẫn đang phải thuê nhà ở. Về công việc, cả khoa Hồi sức cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện chỉ có Thương là bác sĩ duy nhất, việc cấp cứu bệnh nhân nhiều lúc không kịp xoay sở, chưa kể còn phải thường xuyên đi tăng cường hỗ trợ các trạm y tế xã, mỗi lần thường kéo dài hàng chục ngày. Hiện bác sĩ Lường Văn Thương được phân công đi tăng cường hỗ trợ cho Trạm y tế xã Sín Thầu, đây chính là xã ngã ba biên giới với dân số hơn 1.300 người song chưa có bác sĩ nào. 

Phải tập trung vào y tế thôn bản

Tại hội nghị nâng cao chất lượng y tế khu vực trung du miền núi phía bắc vừa diễn ra ở Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, với đặc thù hệ thống y tế ở Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc thì việc đầu tư cho y tế vùng này phải tập trung ngay từ tuyến xã, từ y tế thôn bản. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các trạm y tế xã có khả năng cung ứng dịch vụ tại chỗ cao hơn, thậm chí phải như một phòng khám khu vực để có thể đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con các dân tộc. Tới đây, Bộ Y tế sẽ cố gắng huy động các nguồn kinh phí để tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở ở miền núi phía Bắc, đẩy mạnh tiến trình chuẩn hóa trạm y tế. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đưa bác sĩ luân phiên từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, chương trình đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện khó khăn. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đầu tư cho y tế cơ sở vùng cao không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng hơn trong tiếp cận y tế của người dân khắp các vùng miền, dân tộc. Song muốn đạt được mục tiêu này thì ngoài vấn đề kinh phí, các địa phương cần phối hợp và có những chính sách đồng bộ khác, kết hợp với tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn bản, từng hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ chăm sóc sức khỏe bản thân, xóa bỏ các lối sống, văn hóa hủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sức khỏe, chăm sóc sức khỏe. Cụ thể với bà con các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc, chương trình vệ sinh nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và sinh đẻ tại cơ sở y tế là những nội dung có ý nghĩa thiết thực cần được đẩy mạnh hơn…

Đồng tình, TS Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, muốn gỡ khó được cho hệ thống y tế Tây Bắc không chỉ cần tài chính mà còn cần yếu tố khác, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Do vậy, ngoài chính sách luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới đang triển khai, theo TS Trương Xuân Cừ, các tỉnh miền núi cũng phải chủ động trong việc đào tạo nhân lực y tế tại chỗ và có chính sách thu hút bác sĩ. Dẫu gian khó còn nhiều, song với chiến lược đúng đắn và sự đầu tư thích đáng, công cuộc gỡ khó cho y tế vùng cao hoàn toàn có thể làm được.