Cải cách hành chính, phòng ngừa tiêu cực, giảm phiền hà cho người dân

ANTĐ - Đó là những mục tiêu chính được CATP Hà Nội đặt ra đối với công tác thu thập thông tin dân cư đang được tiến hành thí điểm ở một số phường, quận, và dự kiến sẽ được nhân rộng toàn địa bàn thành phố trong thời gian tới. Thông tin này được cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí vào chiều nay 18-10, sau khi có những ý kiến trên một số phương tiện truyền thông phản ánh ý kiến thắc mắc của nhân dân.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế

Theo Đại tá Lê Học Thu – Chánh văn phòng, Người phát ngôn của CATP, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ANTT, hàng năm, CATP Hà Nội đã giải quyết việc cấp mới, cấp đổi hộ chiếu cho hơn 150.000 lượt công dân; cấp mới, cấp đổi Chứng minh nhân dân cho gần 350.000 lượt người; cấp đăng ký mới và sang tên đổi chủ đăng ký xe ô tô, mô tô gần 350.000 lượt trường hợp; làm thủ tục đăng ký thường trú và thay đổi đăng ký thường trú (di chuyển hộ khẩu) cho gần 300.000 trường hợp… Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, công dân phải kê khai nhiều tờ khai trong đó có nhiều nội dung thông tin trùng lặp.

Cải cách hành chính hướng đến mục tiêu cao nhất phục vụ nhân dân, giảm phiền hà về thủ tục cho nhân dân, phòng ngừa tiêu cực đồng thời đáp ứng công tác giữ gìn ANTT luôn là chủ trương và được Đảng ủy – Ban Giám đốc CATP Hà Nội cụ thể hóa thành những kế hoạch, chỉ đạo hết sức cụ thể, từ cấp phường, đội đến CATP.

Cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và đặc biệt là của UBND TP. Hà Nội về việc lấy năm 2013 là năm “Kỷ cương hành chính”; nhằm giảm phiền hà cho công dân, giảm thủ tục hành chính, giảm số lần đi lại cho công dân, giảm chi phí in ấn các loại giấy tờ (Chứng minh nhân dân, hộ khẩu...) khi đi làm các thủ tục hành chính của cá nhân công dân; đồng thời giảm cường độ làm việc của lực lượng Cảnh sát khu vực và Cảnh sát quản lý hành chính, CATP đã tiến hành nghiên cứu, triển khai thu thập thông tin dân cư, với việc thí điểm ở một số phường, quận trong nội thành để từng bước rút kinh nghiệm.

Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu nói chung và việc thu thập thông tin dân cư nói riêng là nhiệm vụ được giao, và là công việc thường xuyên của Cảnh sát khu vực. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đi của Hà Nội vào hoạt động sẽ góp phần vào việc hoàn chỉnh hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; từ đó sẽ góp phần phục vụ việc sử dụng dữ liệu này trong thực hiện cải cách thủ tục các dịch vụ công nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; giảm số lần đi lại của công dân; giảm hồ sơ, giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính như: cấp hộ chiếu; đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký phương tiện, sao các văn bằng, chứng chỉ.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố

Chủ trương công tác thu thập thông tin dân cư là áp dụng đối với công dân có hộ khẩu thường trú hoặc đã được Công an cơ sở cấp sổ đăng ký tạm trú. CATP đã xây dựng “Phiếu thu thập thông tin dân cư”, gồm 32 danh mục. Các nội dung thông tin thu thập trong phiếu đều căn cứ và bám sát những văn bản pháp lý của trung ương và TP. Hà Nội. Thứ nhất, đó là Nghị định số 90/2010/NĐ–CP ngày 18/8/2010, của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quy định 22 danh mục thông tin của công dân cần được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thứ hai, đó là Thông tư số 10/2013/TT-BCA ngày 22/02/2013, của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quy định 22 danh mục thông tin của công dân cần được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại khoản 2, Điều 5 Thông tư quy định: “Công dân có quyền và có trách nhiệm cung cấp, bổ sung thông tin của bản thân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật”. Thứ ba, đó là Thông tư 81/2011/TT-BCA ngày 15/12/2011, của Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú. Ban hành kèm theo biểu mẫu: “Bản khai nhân khẩu” gồm 21 danh mục; “Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu” gồm 16 danh mục.

Luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân

Cùng với những văn bản pháp lý nêu trên, CATP đang thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hà Nội”, để phục vụ cho việc UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị tiến hành cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành trong thời gian tới. Dự án đã được Bộ Công an đồng ý tại Công văn số 2007/CV/BCA (E11) ngày 30/10/2006 và UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 6/8/2007. Thực hiện Dự án này, trong thời gian qua CATP đã thực hiện “Phiếu điều tra nhân khẩu” với 34 danh mục và đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu dân cư ở 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân). Bên cạnh đó, ngày 18/10/2011, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND Thành phố giao CATP “ Xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an Thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện việc điều tra thông tin và tạo lập dữ liệu điện tử về dân cư trên địa bàn Thành phố”.

Đối chiếu dữ liệu thông tin trong các biểu mẫu được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BCA ngày 22/02/2013, của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010; Thông tư 81/2011/TT-BCA ngày 15/12/2011, của Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú và dự án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hà Nội”, CATP Hà Nội nhận thấy có 31/92 danh mục thông tin trùng nhau. Chi tiết “Nhóm máu” (thuộc thông tin số thứ tự 22, trong Phiếu thu thập thông tin – Đặc điểm cá nhân) không được quy định trong các văn bản nêu trên, tuy nhiên thông tin này CATP Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai (các thông tin bắt buộc kê khai đều được khoanh tròn trong phiếu thu thập thông tin dân cư). Việc thu thập thông tin về nhóm máu đã được các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực thực hiện từ lâu, nhằm mục đích phục vụ công tác nhân đạo trong cứu hộ, cứu nạn (trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, do không xác định được nhóm máu của nạn nhân nên rất khó khăn cho việc cấp cứu nạn nhân)”. Toàn bộ công việc thu thập dữ liệu thông tin dân cư là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cập nhật của công tác quản lý hành chính; đây không phải là dự án mới. Việc sử dụng dữ liệu này được quản lý theo chế độ “Mật”. Đích nhắm tới của việc thu thập dữ liệu là nhằm giảm phiền hà tối đa cho nhân dân khi có công việc liên quan đến thủ tục hành chính; là cơ sở quan trọng, giúp các cơ quan cải cách hành chính từ gốc, chống tiêu cực, phiền hà cho nhân dân

Mong nhận được sự ủng hộ, góp ý của nhân dân

Cùng với sự nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý và quán triệt nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP, trước khi thực hiện việc thu thập thông tin dân cư, CATP đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, phường báo cáo, tham mưu cho UBND các cấp để chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với lực lượng Công an trong việc tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ. CATP cũng đã tổ chức cho toàn bộ lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã và lực lượng CS Quản lý hành chính học tập, nâng cao kiến thức tin học trình độ B để có thể sử dụng thành thạo phần mềm, đáp ứng yêu cầu công tác. Cùng với đó, CATP đã tập huấn cho toàn bộ lực lượng Cảnh sát khu vực, quán triệt, yêu cầu lực lượng Cảnh sát khu vực phải trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn, giải thích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa bàn, có đồng chí Cảnh sát khu vực đã có thiếu sót, như không trực tiếp gặp công dân để giải thích, thu thập thông tin; không dùng kèm bản hướng dẫn của CATP để công dân nghiên cứu, kê khai. Một số Cảnh sát khu vực đã giao Tổ trưởng tổ dân phố đưa phiếu thu thập thông tin dân cư cho các hộ, công dân kê khai, dẫn đến một số công dân không hiểu đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của việc cung cấp thông tin.

Để khắc phục những thiếu sót nêu trên, CATP đã tổ chức rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc thực hiện của lực lượng Cảnh sát khu vực. Phóng viên một số cơ quan báo chí sau khi tiếp nhận thông tin chính thức từ CATP đã có nhận xét đúng về việc thu thập dữ liệu thông tin này và cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu, ủng hộ lực lượng Công an thực hiện việc thu thập thông tin dân cư, phục vụ mục đích cao nhất mà CATP đặt ra trong kế hoạch này: phục vụ  nhân dân một cách tốt nhất!

Sẽ giảm thời gian chờ đợi của người dân

Việc cấp mới Chứng minh nhân dân theo quy định hiện nay trong vòng 7 ngày, với các yêu cầu đối với người dân: đi lấy phiếu kê khai, xin xác nhận của Công an phường, xã rồi mang lên đội CS QLHC quận, huyện nộp. Hồ sơ này sau đó được chuyển đến Phòng CS QLHC để giải quyết. CATP Hà Nội hiện đã nỗ lực rút ngắn thời gian này, nhưng tối thiểu không sớm trước 3 ngày.

Nếu sau này, khi cơ sở dữ liệu thông tin người dân có đủ và được cập nhật trong máy tính kết nối, thì người dân chắc chắn sẽ giảm được thời gian và các thủ tục, công đoạn đi lấy phiếu, xác nhận và đi nộp. Tôi cho rằng, chỉ 2 ngày là xong.

(Đại tá Đỗ Đức Quang – Trưởng phòng CS QLHC về TTXH CATP Hà Nội)