Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

ANTD.VN - Liên quan đến thông tin gần 90 người phải nhập viện cấp cứu tại trạm y tế huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, sau khi ăn đám cưới, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân nên chủ động tích than hoạt tính trong nhà để sẵn sàng sử dụng khi bị ngộ độc thực phẩm.

Nạn nhân bị ngộ độc đang được các bác sĩ cấp cứu

Hướng dẫn dùng than hoạt tính phòng ngộ độc thực phẩm

Theo đó, với dạng ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố: nên dùng than hoạt tính ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường, với liều thường dùng từ  62,5- 125 mg/1 lần x 2-3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn, trong 4-5 ngày; với ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất: thường dùng than hoạt tính ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch; còn với ngộ độc do nấm độc: người lớn dùng 1g/kg thể trọng, trẻ em 1-2g/kg thể trọng.

Trường hợp nặng cho uống than hoạt tính nhiều lần (3-4 giờ/1 lần), kèm theo sorbitol (người lớn 6 gói, trẻ em 2-4 gói). Than hoạt tính và sorbitol dùng ít nhất trong vòng 3 ngày.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, dùng than hoạt tính dù ở dạng nào cũng phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể.

Thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu. Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay. Tuy nhiên cũng phải lưu ý không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài vì có thể làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể.

Mặt khác, không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng 2h, không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh, trẻ em dưới 2 tuổi.

Xử trí và phòng ngừa ngộ độc nấm

Cục An toàn thực phẩm cho biết, với tiết trời ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Cũng như cách bảo quản nấm không tốt cũng là nguyên nhân gây ngộ độc nấm.

Xử trí và phòng ngừa ngộ độc nấm: Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.

Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm. Xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm, nếu dưới 6 tiếng: điều trị ở xã, huyện. Nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.

Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc. Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin trước đó, sáng 15-2, tại xã Đản Ván (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến hơn 80 người phải nhập viện điều trị, trong đó đa phần được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì và 15 bệnh nhân điều trị ở Trạm Y tế xã Đản Ván.

Trước đó, các nạn nhân đều có ăn cỗ cưới tại đám cưới của gia đình ông Hoàng Văn Kim (thôn Thượng 3, xã Đản Ván, Hoàng Su Phì) vào trưa 13-2. Được biết trong bữa cỗ cưới này có các món: Nấm rơm, bắp cải nhồi thịt lợn, thịt gà, thịt lợn, đậu phụ và canh rau, uống rượu.