Các trường phải tự cứu mình

ANTĐ - Trước thực trạng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ GD-ĐT vừa công bố giải pháp cơ cấu lại hệ thống trường trên cả nước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Các trường phải tự cứu mình ảnh 1
- PV: Nhiều trường đại học, cao đẳng đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- GS.TS Đào Trọng Thi: Nguyên nhân tuyển sinh khó là do các trường đó chưa tạo được sự tín nhiệm, chưa đáp ứng được mong đợi của xã hội và vì thế trước tiên, bản thân các trường đó phải suy nghĩ, tìm giải pháp. Quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng đào tạo, thứ hai là phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, nghiên cứu xem thị trường lao động cần ngành nghề gì, khu vực nào, ở mức độ nào để đáp ứng được. Các trường nên hoạt động như một doanh nghiệp, chỉ khi được xã hội thừa nhận họ mới có thể tồn tại được. 

Ngành giáo dục cũng phải suy nghĩ, tìm giải pháp. Việc  chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập các trường đại học… là một trong những giải pháp mà ngành giáo dục nêu ra. Không thể có một phương án giải quyết chung cho tất cả các trường mà phải tùy từng trường, khu vực cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là các trường phải tự tính toán, nghiên cứu để tìm ra hướng đi riêng cho mình.


- Thực trạng này có phải là hệ quả của việc trước đây chúng ta cho mở quá nhiều trường? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu, thưa ông?

- Chúng ta phải tổng kết một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc chứ không thể suy diễn, nói chung chung được. Chẳng hạn, nếu quá trình cấp phép cho mở một trường đảm bảo đầy đủ các điều kiện, đúng quy định pháp luật thì không thể nói việc cho mở trường như vậy là dễ dãi. Còn nếu quá trình cấp phép này không đúng quy hoạch đào tạo, chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chất lượng, tính khả thi, khâu thẩm định không nghiêm túc thì lúc đó phải quy rõ trách nhiệm. Việc quy trách nhiệm này cũng phải xét vào từng trường hợp cụ thể chứ không thể chung chung. Có lẽ, cũng vì tư duy quá đơn giản là ai cũng có thể làm giáo dục nên cuối cùng mới sinh ra chuyện quản lý và làm giáo dục đều không tốt.

Vai trò quan trọng nhất của Nhà nước trong định hướng phát triển giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng nói riêng là quy hoạch nguồn nhân lực cho đúng, quản lý các trường thực hiện đúng theo quy hoạch. Trong đó, Nhà nước phải quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên cơ sở dự báo đúng thị trường lao động. Dự báo này phải có tính dài hạn, ít nhất 5-10 năm. Quản lý hoạt động của các trường theo đúng quy hoạch cũng quan trọng không kém, nghĩa là phải quản lý làm sao để các trường không thể cứ thấy ngành nghề nào đang “hot” là lao vào mở ngành, mở lớp dẫn đến đào tạo thừa, trong khi những ngành nghề khác lại thiếu. 

- Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều khiến dư luận xã hội bức xúc, thưa ông?

- Sinh viên ra trường thất nghiệp có 3 lý do. Thứ nhất, thị trường lao động chưa tiếp nhận được, có nghĩa là quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thứ hai, do chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu, thực tế nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được. Thứ ba, quy hoạch nhân lực đào tạo không phải chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu vùng miền, ngành nghề, trình độ, chất lượng. Có thể thấy, lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi nhiều vùng sâu vùng xa thiếu người có trình độ lại không tuyển được. 

Nếu ta đào tạo theo đúng quy hoạch thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng đào tạo thừa nguồn nhân lực, dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp nhiều đến vậy.