Các "đại gia" khó khăn hay "né" thuế

ANTĐ - Theo con số chính thức được ngành thuế Hà Nội báo cáo Tổng thu ngân sách địa phương năm 2013 của Hà Nội dự kiến giảm 11.824 tỷ đồng, trong đó cấp TP giảm 10.900 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã giảm 924 tỷ đồng. Còn theo Bộ Tài chính, dự tính sẽ hụt thu khoảng 60.000 tỷ đồng trong năm 2013. Tình hình thu chi ngân sách khá hạn hẹp nhưng vẫn chưa thu hồi được những khoản tiền thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang “nằm” ở nhiều đơn vị khi có tới 40 địa phương chưa đạt tiến độ thu theo yêu cầu. Trong số này có các trọng điểm thu và từng là những “điểm sáng” về thu ngân sách như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Đây cũng là những địa phương có nguồn thu và nguồn chi lớn bằng nhiều địa phương khác cộng lại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, nhiều người cho rằng việc giảm thu là do… khó khăn chung. Thế nhưng, vấn đề lớn với ngành thuế hiện nay là tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân còn lớn bất thường. Trong khi ngành thuế phải đau đầu với khó khăn thu ngân sách thì nhiều DN đua nhau xin giãn, hoãn và giảm nộp thuế. Trong sản xuất kinh doanh, với nhiều DN, đôi khi chỉ cần một trợ lực nhỏ cũng có thể thoát khỏi bờ vực phá sản. Thực tế, Nhà nước cũng đã có chủ trương ưu đãi, chia sẻ khó khăn với các DN. Nhưng làm ăn gặp khó khăn trong tình cảnh chung của thị trường trong nước khi kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, sản lượng sụt giảm, giảm mạnh về doanh số, thua lỗ là một chuyện, còn ở đây có DN làm ăn tốt mà cũng xin ưu đãi đủ đường lại là chuyện đáng bàn...

Năm 2013, tổng số tiền giãn, miễn, giảm thuế cho các DN theo Nghị quyết của Quốc hội lên tới 37.700 tỷ đồng. Trong khi ngân sách gặp khó khăn vì nhiều địa phương hụt thu, việc các DN đua nhau xin giảm thuế với số tiền cả nghìn tỷ đồng. Xin miễn giảm trong năm nay là một lẽ, nhưng lại còn có cả chuyện xin miễn giảm trong… tương lai. Những “ ông lớn” như các “đại gia” sản xuất ô tô nội địa, khai khoáng đua nhau nại ra đủ lý do xin ưu đãi các cơ chế, chính sách thuế cho những đề án mai sau với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Với lý do DN ngoại vào Việt Nam cũng được ưu đãi thuế, mới đây, “đại gia” ngành viễn thông Viettel cũng có văn bản gửi Thủ tướng xin miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017 nhiều DN xin giảm thuế với thời hạn tới 5 năm. Nhiều DN lợi dụng chính sách ưu đãi thuế bằng việc báo lỗ để trốn thuế thông qua chuyển giá, hoàn thuế giá trị gia tăng… Theo thống kê của Bộ Tài chính, 1.172 DN báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, thế nhưng không ít trong số này sau thanh tra lại thấy… lãi. Chỉ riêng ở Hà Nội, số liệu từ Cục Thuế Hà Nội cho biết, chỉ riêng 77 DN lớn trên địa bàn đang trây ỳ và nợ ngân sách tổng cộng hơn 1.806 tỷ đồng tiền thuế. Có những DN nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngân sách phải “cân đong đo đếm, co kéo thu xếp” từng đồng, tình trạng DN “chạy” xin giảm thuế đều thuộc tốp “đại gia” mưu cầu lợi riêng trong khi ngân sách bị thất thu khoản tiền lớn khiến dư luận nghĩ đến cuộc chạy đua “né” thuế.

Tình trạng thất thu cũng còn do lực lượng chức năng thu chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời. Dư luận cho rằng để tăng nguồn thu ngân sách, việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong ngành tài chính, thuế, hải quan sẽ tạo sự minh bạch trong kê khai về thuế và các khoản thu có liên quan để bảo đảm chống thất thu ngân sách - một công việc trách nhiệm của nhiều phía.