Theo đó, trình bày trước tòa, đại diện Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) cho biết, thời điểm vụ án xảy ra, Công ty TNHH Một thành viên Vinashin (Vinashinlines) 100% vốn thuộc sở hữu của Vinashin. Và tiền mua 3 con tàu được đề cập trong vụ án gốc gác cũng là của Vinashin.
Cụ thể hơn, đại diện Vinashin lý giải, toàn bộ vốn kinh doanh của Vinashinlines đều được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cấp, thông qua Công ty Tài chính VFC cũng thuộc Vinashin. Sau khi vụ án xảy ra và cho đến nay, phần lớn nguồn vốn mua sắm tàu biển của Vinashinlines vay từ Công ty Tài chính VFC vẫn chưa được doanh nghiệp này trả nợ.
Giang Kim Đạt cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa
Ngoài ra, theo đại diện Vinashin, mọi lợi nhuận phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinashinlines đều phải thuộc sở hữu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy. Vào thời điểm mua 3 con tàu và cho thuê tàu biển, bị cáo Giang Kim Đạt đang là nhân viên, rồi giữ chức Quyền trưởng phòng Kinh doanh của Vinashinlines nên toàn bộ số tiền 260,5 tỷ đồng phát sinh đều phải thuộc sở hữu của Vinashin.
Từ những trình bày nêu trên, đại diện Vinashin đề nghị quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sơ thẩm quyết định giao cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy khoản tiền 260,5 tỷ đồng mà bị cáo Giang Kim Đạt cùng đồng phạm đã chiếm đoạt. Mặt khác, đại diện Vinashin cũng cho biết, tính đến tháng 6-2010, thời điểm Vinashinlines được chuyển sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp này vẫn còn nợ Vinashin hơn 48 triệu USD và hơn 73 tỷ đồng.
Được triệu tập tới phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có quan điểm ngược lại với đề nghị tòa án giao cho doanh nghiệp này khoản tiền 260,5 tỷ đồng mà các bị cáo trong vụ án đã chiếm hưởng.
Bởi theo đại diện Vinalines, kể từ tháng 6-2010, Vinashinlines được bàn giao nguyên trạng sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Vinalines đang phải gánh khoản nợ hơn 6.000 tỷ đồng mà Công ty TNHH Một thành viên Vinashin để lại.
Nói thêm về hậu quả hiện đang phải gánh chịu, đại diện Vinalines cho biết thêm, ngoài phải trả nợ thay Vinashinlines khoản tiền trên, doanh nghiệp này còn phải “cõng” trên lưng khoảng 14.000 tỷ đồng khác của 4 doanh nghiệp vốn thuộc Vinashin được điều chuyển sang Vinalines từ giữa năm 2010.
Chốt lại phần trình bày ý kiến của mình, đại diện Vinalines tái khẳng định đề nghị HĐXX tuyên bố giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khoản tiền 260,5 tỷ đồng mà Giang Kim Đạt cùng đồng phạm chiếm đoạt. Sau đó, Vinalines sẽ có nghĩa vụ thanh toán nợ đối với các bên liên quan.
Cũng trong sáng ngày thứ ba xét xử Giang Kim Đạt, HĐXX đã tiến hành truy vấn vợ bị cáo Trần Văn Liêm – cựu Tổng giám đốc Vinashinlines về nguồn gốc chiếc ô tô Mercedes. Bởi theo tài liệu truy tố, chiếc ô tô đó vốn được bị cáo Đạt dùng tiền tham ô mua cho gia đình “sếp”.
Trả lời tòa, vợ bị cáo phân trần, nguồn gốc chiếc xe ô tô Mercedes đề cập trong vụ án là do chính người phụ nữ này bỏ tiền ra mua, trong thời gian Trần Văn Liêm đi công tác nước ngoài với giá khoảng 10.000 USD. Và vợ bị cáo Liêm quả quyết, chính bà là người đưa tiền nhờ Giang Kim Đạt mua ô tô hộ. Sau đó cũng bà này là người đi nộp thuế trước bạ.
Trình bày trước tòa, vợ bị cáo Liêm cho biết thêm hiện chiếc tô nêu trên vẫn do gia đình bà này quản lý nhưng không thể mua bán hay chuyển nhượng cho người khác được vì đang bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngừng chuyển dịch. Từ đó, vợ bị cáo Liêm đề nghị tòa án bảo đảm quyền lợi cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan này.