Tại huyện Hoài Đức (Hà Nội):

Bụi mù trời vì trạm trộn bê tông không phép

ANTD.VN - Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội, trên địa bàn huyện có tới 25 trạm trộn bê tông. Quá trình hoạt động, các trạm trộn bê tông này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Hầu hết các trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Di Trạch, Lại Yên, An Khánh của huyện Hoài Đức đều vi phạm nghiêm trọng về xả thải môi trường và không có giấy phép xây dựng

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, đa số những trạm trộn này tồn tại theo một số dự án cụm công nghiệp, khu đô thị được thành phố phê duyệt từ những năm trước. Tuy nhiên, qua kiểm tra hầu hết các trạm trộn này đều không có đầy đủ thủ tục pháp lý như: giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đánh giá tác động môi trường... Bởi, có trạm trộn có giấy chứng nhận đánh giá tác động môi trường thì lại không có giấy phép xây dựng và ngược lại…

Kêu trời vì... ô nhiễm!

Anh Nguyễn Quang Huy, xã Lại Yên cho biết, chỉ trong địa bàn xã đã có tới 7-8 trạm trộn bê tông, mỗi khi trạm trộn xả silô (xả đáy trạm trộn), ngày mưa còn đỡ, ngày nắng thì bụi mù trời. Chỉ tay vào con đường đang được thi công dở, anh Huy không khỏi bức xúc: “Các trạm trộn bê tông không những gây ô nhiễm không khí, mà đường đi cũng bị hư hỏng nặng bởi những xe bồn có trọng tải hàng chục tấn ra, vào; thậm chí có những xe chở bê tông lên tới gần trăm tấn. Thử hỏi con đường nào chịu nổi”.

Ông Trần Văn Thanh, cũng trú ở xã Lại Yên ngao ngán cho biết: “Người dân chúng tôi nhiều lần có ý kiến lên chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng về việc các trạm trộn gây ô nhiễm nhưng không hiểu vì sao không được giải quyết. Thỉnh thoảng, các cơ quan chức năng cũng xuống thanh tra, kiểm tra nhưng xong đâu lại vào đấy”.

Chị Hà Thị Oanh (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị phải đi hàng chục kilômét từ nhà đến công ty (ở khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) làm việc, duy nhất chỉ có một con đường đó là tuyến đường gom hai bên của Đại lộ Thăng Long. Hàng ngày, mỗi khi qua khu vực xã An Khánh, chị Oanh luôn phải đối mặt với bụi bặm từ những xe bồn chở bê tông, không những thế, nhiều  lần chị Oanh còn bị ngã xe vì dính phải đống bê tông tươi rơi vãi. 

Theo quan sát của phóng viên, dọc hai bên Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn các xã An Khánh và Kim Chung đã có tới 9 trạm trộn bê tông của các công ty như Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VLXD An Phúc; Công ty TNHH Việt Đức; Công ty CPXD và KT An Bình; Công ty CPĐT Sông Đà - Việt Đức. Đây là những trạm trộn có công suất hoạt động khá lớn và mỗi khi các trạm trộn hoạt động, xe chở bê tông vận hành qua lại làm bụi bay mù mịt gây nguy hiểm  cho người tham gia giao thông.

Không phép vẫn ngang nhiên hoạt động

“Đúng như phản ánh của người dân, hoạt động của các trạm trộn bê tông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có nhiều dự án đang được thi công, do đó các xe chở vật liệu cũng như xe chở bê tông ra vào công trình nhưng không đảm bảo che chắn đã khiến môi trường bị ô nhiễm bởi bụi bẩn. Thậm chí có những tuyến đường, nhiều xe bồn còn để rơi vãi bê tông đã gây bức xúc cho người dân và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, đến nay tình trạng này đã được cải thiện”, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên thẳng thắn trao đổi: “Ban ngày còn đỡ, ban đêm các trạm trộn bê tông xả silô thì bụi bay mù trời. Không những vậy, các xe bồn còn xả trộm bê tông thừa tại nhiều chỗ vắng trên địa bàn xã khiến người dân đi lại khó khăn. Qua đánh giá tác động môi trường, hiện nay mực nước ngầm ở đây bị hạ xuống khoảng 2,3m, chúng tôi cũng rất lo ngại. Không hiểu sao, qua các cuộc kiểm tra, các trạm trộn bê tông gần như 100% không đầy đủ giấy tờ mà vẫn ngang nhiên hoạt động.

Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng này, nhưng chúng tôi cũng không biết phải xử lý thế nào, chỉ biết báo cáo lại cấp trên. Bởi những trạm trộn bê tông này thường được lắp đặt trong đất của các dự án nên UBND xã không có thẩm quyền kiểm tra. Mỗi khi chúng tôi tham gia với đoàn thanh tra, kiểm tra thì cũng chỉ với tư cách phối hợp”.

 Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 5-2016, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có thông báo gửi 23 đơn vị quản lý, vận hành các trạm trộn bê tông thương phẩm trên địa bàn huyện Hoài Đức về việc tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm các trạm trộn bê tông này. Tuy nhiên, cho đến nay, rất nhiều trạm trộn bê tông vẫn chưa bị xử lý, cưỡng chế.

Năm 2016, UBND huyện Hoài Đức giao cho các phòng chuyên môn và lập đoàn kiểm tra, xử lý hoạt động sai phép của các trạm trộn bê tông gây ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn huyện. Qua đó, UBND huyện giao Đội trật tự xây dựng chủ trì, phối hợp với Phòng quản lý đô thị, Tư pháp, UBND các xã liên quan lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ vi phạm cưỡng chế trong tháng 3 và 4-2017, gồm: 

Công ty CP bê tông và xây dựng An Khánh; 

Công ty phát triển sản xuất và thương mại Minh Đạt; 

Công ty CPXD và khai thác An Bình; 

Công ty CP bê tông xây dựng A&P; 

Công ty CP Sông Đà 7; 

Công ty CP 12.1; 

Công ty TNHH XD và TM Ngân Hằng; 

Công ty CPKDVL và XD BHP; 

Công ty TNHH thương mại Minh Tâm; 

Công ty CP đầu tư Sông Đà - Việt Đức...