Cụm công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Mạnh ai người nấy… xả thải

ANTD.VN - Do không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, chính vì vậy, khi 18 công ty và 1 trạm trộn bê tông tại Cụm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm nặng…

Di Trạch là xã thuần nông, nhưng diện tích đất nông nghiệp hiện nay chỉ còn khoảng gần 60ha. Những năm gần đây, địa phương này đã dành 120ha đất nông nghiệp cho các dự án phát triển công nghiệp, đô thị. Năm 2006, Cụm công nghiệp Di Trạch được phê duyệt quy hoạch, nhưng rồi bị bỏ hoang nhiều năm. Đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, cụm công nghiệp mới khởi động trở lại.

Cụm công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Mạnh ai người nấy… xả thải ảnh 1Cụm công nghiệp Di Trạch hiện không có hệ thống xử lý nước thải chung  gây ảnh hưởng đến môi trường

Người dân kêu trời vì ô nhiễm

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc TP Hà Nội) ban hành Quyết định số 655/QĐ - UBND thu hồi 83.862m2 đất nông nghiệp của xã Di Trạch chuyển thành đất chuyên dùng giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Di Trạch. 

Đến tháng 5-2010, Cụm công nghiệp Di Trạch có 18 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và năm 2015, các doanh nghiệp mới chính thức đi vào hoạt động. Mỗi khi các công ty vận hành, do không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải khiến cho môi trường ở đây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. 

Bà Nguyễn Kim Thanh (thôn Đại Tự, xã Kim Chung, Hoài Đức) cho biết, gia đình bà có 3 sào ruộng, nằm sát phía sau cụm công nghiệp. Năm 2016, một số doanh nghiệp hoạt động và xả thải dầu nhớt, nhựa đường thẳng ra hệ thống mương sau cụm công nghiệp, tràn vào ruộng của gia đình và một số hộ dân khác khiến lúa và cây ăn quả bị hư hỏng nặng. Người dân có ruộng sản xuất quanh cụm công nghiệp nhiều lần đã có đơn kiến nghị đến chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cùng với bà Thanh, chị Nguyễn Thị Hòa (ở thôn Vực, xã Di Trạch) cũng bày tỏ, gia đình chị có vài sào ruộng  trồng cây ăn quả (cây ổi). Tuy nhiên, mỗi khi các doanh nghiệp xả thải, khiến cho cây ổi bị ảnh hưởng nặng. Nhiều nhà phải tự đào ao để lấy nước tưới tiêu, nếu sử dụng nước thải, cây  sẽ bị cằn cỗi thậm chí héo úa rồi chết. 

Theo quan sát của phóng viên, nước thải của các công ty trong cụm công nghiệp này được xả thải thẳng ra kênh T2 - 7, bao quanh hai bên hông và phía sau Cụm công nghiệp Di Trạch. Toàn bộ nước của kênh đen ngòm, bề mặt nổi váng dầu và bọt. Bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Còn trước mặt cụm công nghiệp là tuyến đường 422B kèm theo mương nước cũng bị ô nhiễm nặng không kém kênh T2-7.

Chính điều này khiến cho nhiều năm nay, người dân các thôn quanh khu công nghiệp đã liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại đến chính quyền xã và cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm do cụm công nghiệp này gây ra, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụm công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Mạnh ai người nấy… xả thải ảnh 2Nhiều cánh đồng bị ảnh hưởng, mất mùa do việc xả thải ô nhiễ

Chính quyền loay hoay

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết, năm 2016, qua kiểm tra, trạm trộn bê tông ở cụm công nghiệp không đủ điều kiện nên đã bị đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động nhưng thực tế đến nay vẫn diễn ra. Cụm công nghiệp Di Trạch hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý thu gom chất thải, nước thải tập trung. Do vậy, khi các doanh nghiệp này hoạt động đã xả thải thẳng ra kênh T2-7 gây ô nhiễm. 

“Các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động. Họ không dám đầu tư vì chưa ổn định địa điểm, nên hoạt động cũng mang tính tạm bợ. Trong quá trình hoạt động, sản xuất có xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, UBND xã cũng đã mời các doanh nghiệp vào làm việc, đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xử lý chất thải, nước thải phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thống kê lượng rác thải của công ty để có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải công nghiệp theo quy định. Còn về xử lý nước thải, UBND xã kiến nghị UBND huyện xem xét nguồn kinh phí xây dựng khu xử lý nước thải tập trung nhưng đến nay cũng chưa tìm được tiếng nói chung”, ông Phạm Văn Mạnh cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hoài Đức cho biết, cụm công nghiệp này sau khi được quy hoạch thì nằm trong trục Hồ Tây - Ba Vì nên bị dừng lại một thời gian dài. Đến nay, các doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp cũng chỉ được thành phố giao cho từng năm một khiến họ bất an, không dám đầu tư. Việc chú trọng công tác bảo vệ môi trường cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. 

Năm 2016, chủ trương chung của thành phố giao cho Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm quản lý Khu công nghiệp Hoài Đức để chọn giải pháp xây dựng nhà máy xử lý chất thải cho toàn bộ Cụm công nghiệp Di Trạch. Theo đó, toàn bộ chất thải, rác thải được thu gom vào một mối để xử lý, đảm bảo môi trường. 

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư tốn kém, hoạt động của các doanh nghiệp không được ổn định, đến nay cụm công nghiệp đã rơi vào tình trạng mạnh ai nấy… xả thải.