Bức tranh... mờ ảo

(ANTĐ) - Có thể nói, tình trạng ứng dụng khoa học, công nghệ như một bức tranh "mờ ảo". chẳng mấy sáng sủa, nếu như không muốn nói là màu xáu bao phủ hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Bức tranh... mờ ảo

(ANTĐ) - Có thể nói, tình trạng ứng dụng khoa học, công nghệ như một bức tranh "mờ ảo". chẳng mấy sáng sủa, nếu như không muốn nói là màu xáu bao phủ hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Báo cáo mới được công bố của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được đánh giá là sử dụng công nghệ cao, nhiều chất xám hoặc nhiều vốn như tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học chỉ chiếm chừng 19,5%.

Trong khi đó, có tới 78,85% doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có xu hướng thâm dụng lao động, trình độ công nghệ thấp, vốn nhỏ. 74% số doanh nghiệp này đã thu hút tới 86,2% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo chỉ chiếm 0,46% và vào lĩnh vực khoa học chỉ chiếm vỏn vẹn 0,03%, trong lĩnh vực y tế chỉ chiếm 0,22%.

Mới đây, một giám đốc công ty tư vấn chiến lược của Mỹ, sau khi kết thúc chuyến đi khảo sát thực tế các doanh nghiệp sản xuất giày dép, may mặc xuất khẩu của Việt Nam đã nhận xét thẳng thắn rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang áp dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và nhân công.

Những công nghệ này đã được sử dụng ở Đài Loan (Trung Quốc) cách đây hơn 20 năm, hiện nhiều nước và vùng lãnh thổ không còn dùng đến nữa. Bản thân một chuyên gia khoa học công nghệ của Việt Nam thừa nhận, đầu tư cho khoa học công nghệ trong các ngành những năm qua là không đáng kể, vì thế, hạ tầng khoa học công nghệ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ từ 20-30 năm.

“Bức tranh” ứng dụng khoa học công nghệ còn mờ ảo hơn nếu nhìn rộng ra các ngành kinh tế khác. Một chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Economica vừa tiến hành một nghiên cứu tổng quan theo yêu cầu của phía Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho thấy một “bức tranh” tổng thể khá ảm đạm. Khoảng 80-90% công nghệ Việt Nam sử dụng là công nghệ ngoại nhập, trong đó 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập ra đời từ những năm 1980 thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ “tân trang”.

Vị chuyên gia này nhận định: “Trình độ nguồn nhân lực, xuất xứ của máy móc thiết bị như thế, tất yếu sản phẩm cuối cùng của hầu hết các doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng dòng được sản xuất ở các nước khu vực”. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nước ta, rõ ràng là rất đáng lo ngại. Trình độ công nghệ trung bình của các doanh nghiệp chiếm tới 65%, mức tiên tiến và hiện đại chỉ khoảng 15%, còn mức lạc hậu chiếm tới hơn 20%.

 Bức tranh “khoa học công nghệ của Việt Nam đã được mô tả trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009 của Diễn đàn Kinh tế thế giới: chỉ số về sáng chế hữu ích của Việt Nam chỉ xếp thứ 90 trên tổng số 133 quốc gia. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước dành cho khoa học công nghệ chỉ chiếm có 2% tổng chi ngân sách. Không biết đến khi nào khoa học công nghệ Việt Nam có thể đuổi kịp các nước láng giềng, khi mà tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ của họ là 1.000USD/đầu người so với 6USD/đầu người của Việt Nam?

Nhìn toàn cảnh “bức tranh” ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp nước ta, không hiểu bằng cách nào sản phẩm “Made in Vietnam” có đủ sức cạnh tranh, chứ chưa nói tới “giấc mơ” nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là hàm lượng chất xám - trí tuệ Việt Nam?

Đan Thanh