Cấp "sổ đỏ" tại Hoài Ân (Bình Định) - Sờ đâu... sai đó (3):

Bỗng dưng bị "xén" mất 300m2 đất

ANTĐ - Mở rộng điều tra việc cấp “GCNQSDĐ ở” tại huyện Hoài Ân, cho thấy: Không riêng thị trấn Tăng Bạt Hổ, mà ở những địa bàn khác như xã Ân Thạnh, cũng xảy ra tình trạng diện tích đất ở cấp cho dân không đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Bỗng dưng bị "xén" mất 300m2 đất ảnh 1
Thương binh Hoàng Thị Sương trên thửa đất gia đình sử dụng ổn định từ năm 1970
Từ năm 2007 đến nay, thương binh Hoàng Thị Sương, trú xóm 2, thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân đã tìm đến cơ quan chức năng huyện Hoài Ân và tỉnh Bình Định đề nghị giải quyết vụ việc tranh chấp cây trồng trên thửa đất mà gia đình bà nhận chuyển nhượng từ năm 1970 và yêu cầu cấp lại diện tích đất ở theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003.

Theo phản ánh của bà Sương và tìm hiểu trên thực tế được biết, thửa đất mà gia đình bà Sương hiện đang sử dụng có nguồn gốc như sau: Vào ngày 16-12-1970, bố mẹ bà Sương là ông Huỳnh Chử và bà Trần Thị Chính nhận chuyển nhượng lại thửa đất của hộ ông Đoàn Trung Chất và bà Nguyễn Thị Triết với giá trị chuyển nhượng là “ba chục lượng vàng”. Giấy chuyển nhượng có chứng thực của chính quyền. Tờ chuyển nhượng ghi diện tích hơn 3 sào (thực tế là 1.540m2) và xác định rõ ranh giới: Đông giáp sông Kim Sơn, Tây giáp huyện lộ, Nam giáp đất ông Nguyễn Trở và Bắc giáp đất ông Nguyễn Võ Trở. Trên thửa đất nhận chuyển nhượng vào năm 1976, gia đình ông Chử làm nhà ở; tháng 3-1983 căn nhà được xây dựng lại khang trang hơn và gia đình bà Sương hiện đang sở hữu căn nhà này.

Vào thời điểm năm 1997, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, bà Sương được bố mẹ cho một phần diện tích thửa đất. Ngày 30-12-1997, từ thực tế sử dụng thửa đất 1.540m2, UBND huyện Hoài Ân cấp GCNQSDĐ cho bà Sương diện tích 300m2 đất ở, cấp GCNQSDĐ cho bà Trần Thị Chính 300m2 đất ở và 640m2 đất vườn, còn lại 300m2 UBND xã Ân Thạnh thu hồi trái pháp luật và không đền bù để đưa vào quỹ đất dự phòng của xã. Đến ngày 11-9-2008, sau khi mẹ mất, bà Sương được quyền thừa kế quyền sử dụng đất phần đất do mẹ bà đứng tên trong GCNQSDĐ. Như vậy, bà Sương là người có quyền sử dụng hợp pháp toàn bộ diện tích 1.540 m2 đất thuộc thửa đất bố mẹ bà nhận chuyển nhượng từ năm 1970. Hiện nay, bà Sương có nguyện vọng làm lại GCNQSDĐ ở cho toàn bộ 1.540m2 của thửa đất trên nhưng không được cơ quan chức năng huyện Hoài Ân giải quyết.

Không những thế, tại phần phía Bắc thửa đất của bà Sương còn xảy ra tranh chấp về “cây trồng” một cách vô lý với hộ ông Trần Quang Nguyên, trú cùng thôn. Ngày 11-11-2011, làm việc với chúng tôi ông Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh và ông Ngô Đông Hải, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân khẳng định: Phần đất của bà Sương mà ông Nguyên tranh chấp đòi đền bù về cây trồng không phải giáp ranh với đất của ông Nguyên mà là đất thuộc quỹ đất dự phòng của xã Ân Thạnh. Ông Nguyên mặc dù không được xã Ân Thạnh giao đất nhưng vẫn tiến hành trồng cây trên quỹ đất dự phòng của xã và trồng lấn cả sang đất của bà Sương. Và ông Nguyên chỉ tranh chấp cây trồng với bà Sương. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, về giải quyết tranh chấp trên, ngày 5-4-2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Thạnh đã đo đạc, xác định rõ ranh giới và cắm mốc cho thửa đất của bà Sương mà ông Nguyên có tranh chấp về cây trồng. Sau khi đã xác định được ranh giới theo đúng sơ đồ hiện trạng thửa đất số 664, gia đình bà Sương tiến hành xây dựng hàng rào thì bị ông Nguyên cản trở và đòi bà Sương bồi thường một số cây chuối với giá “trên trời”.

Theo chúng tôi, đòi hỏi của ông Nguyên là vô lý. Vì diện tích đất trên đã được xác định là của bà Sương, như vậy trong quá trình trồng cây trên phần diện tích đất dự phòng của xã, ông Nguyên đã trồng lấn sang phần đất của bà Sương là vi phạm pháp luật, nên không thể đòi bồi thường(!). Hơn nữa, ngay cả việc ông Nguyên trồng cây trên đất dự phòng của xã Ân Thạnh cũng là trái phép, vì không được xã cho phép, như: “giao khoán, hoặc cho thuê, mượn”. Từ đó có thể khẳng định, khi cơ quan chức năng đã xác định rõ ranh giới đất cho gia đình bà Sương, mà ông Nguyên cản trở, không cho xây dựng hàng rào là hành vi gây rối an ninh trật tự, xâm phạm quyền và lợi ích chính dáng của công dân, cần xử lý theo quy định của Pháp luật.

Tờ mua bán thửa đất của gia đình thương binh Hoàng Thị Sương được lập ngày 16-2-1970

Qua xem xét nguồn gốc thửa đất cũng như quá trình sử dụng đất của gia đình bà Sương từ năm 1970 đến nay, căn cứ vào những quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP, ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, chúng tôi cho rằng thửa đất của bà Sương đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận toàn bộ diện tích 1.540m2 là đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Cụ thể, Mục d, Khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai quy định: “Gia đình cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng mhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:…d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993…e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”.

Và tại Khoản 2, Điều 45 Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP, còn quy định: “Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Đất đai”. Khoản 1 và 2 Điều 87 của Luật Đất đai xác định diện tích đất ở đối với thường hợp có vườn, ao như sau: “Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư. Đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”.

Việc thu hồi không đền bù 300m2 đất thuộc thửa đất gia đình bà Sương nhận chuyển nhượng từ năm 1970 để đưa vào quỹ đất dự phòng được UBND xã Ân Thạnh khẳng định tại Báo cáo số: 24/BC-UBND, ngày 25-6-2009, về việc giải quyết đơn thư công dân, như sau: “Diện tích đất đã giao quyền cho mẹ con bà Sương là 1.240m2, so với tổng diện tích ban đầu của thửa đất giảm 300m2… là bởi 300m2 còn lại thuộc tờ bản đồ số hiệu 664 không giao quyền cho mẹ con bà, mà để lại quỹ đất dự phòng của UBND xã”. Việc làm này của UBND xã Ân Thạnh là trái với quy định của Pháp luật.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, nguyện vọng của thương binh Hoàng Thị Sương yêu cầu được cấp GCNQSDĐ ở cho toàn bộ diện tích 1.540m2 đất thuộc thửa đất gia đình bà nhận chuyển nhượng từ năm 1970 là chính đáng. Được biết, năm 1970, khi tròn 18 tuổi Hoàng Thị Sương nhập ngũ và trở thành Trung đội trưởng Trung đội cối 60 (Huyện đội Hoài Ân, tỉnh Nghĩa Bình cũ). Tháng 3-1973, Hoàng Thị Sương bị thương trong một trận chiến đấu với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 61%. Chồng bà là ông Trần Được nhập ngũ năm 1979 tham gia chiến đấu ở chiến trường Căm-pu-chia, đến 1984 về phục viên. Bố mẹ của bà Sương đều có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Gia đình bà Sương luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chích sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, đóng góp công sức xây dựng quê hương; nuôi dạy hai con trai học lên đến cao học. Gia đình bà Sương liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá, cựu chiến binh tiêu biểu, thương binh “tàn nhưng không phế”. Tâm sự với chúng tôi, thương binh Hoàng Thị Sương bộc bạch: “Gia đình không đòi hỏi ưu đãi về đất ở, hay xây dựng nhà tình nghĩa. Mà chỉ mong sao, quyền lợi của công dân trên thửa đất ông cha để lại không bị xâm phạm!”.