Bộ Y tế lý giải vì sao cấm bán rượu, bia sau 22 giờ

ANTĐ - Những ngày gần đây, thông tin Bộ Y tế đề xuất cấm bán bia rượu từ 22h đến 6h hàng ngày nhận được rất nhiều quan tâm, ý kiến trong dư luận. Trao đổi với báo chí chiều 23-7, đại diện Bộ Y tế chính thức lý giải nguyên nhân đưa ra đề xuất này.

Bộ Y tế lý giải vì sao cấm bán rượu, bia sau 22 giờ ảnh 1
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta đã ở mức báo động và đang gia tăng rất nhanh


Đủ cơ sở thực tiễn, pháp lý

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết, quy định cấm bán rượu, bia sau 22h hàng ngày là một trong những điểm nhấn tại dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng. Trên thực tế, việc cấm bán bia, rượu sau 22h chỉ là một trong 3 phương án nhằm hạn chế mức độ sử dụng và tác hại của rượu, bia mà Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến chứ chưa phải phương án cuối cùng.

Cụ thể, phương án 1 là: Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Phương án 2: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án 3: Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo luật. Theo bà Trần Thị Trang, trong 3 phương án trên thì phương án 1, cấm bán bia rượu là phương án tối ưu nhất bởi nó sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu bia.

Cơ sở để đưa ra đề xuất quy định này là do tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta đã ở mức báo động và đang gia tăng rất nhanh. Theo điều tra gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta bình quân là 4 lít/người và dự báo đến 2015 sẽ là 7 lít/người. Việc lạm dụng rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các vấn đề xã hội, suy giảm khả năng lao động. Bà Trần Thị Trang dẫn chứng, tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 đến 24h. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục…

Hiện nay đã có 168 quốc gia trên thế giới, trong đó có 9 quốc gia ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu, bia. Đa số là cấm từ 20h hoặc 22h đến 6 hoặc 8h hôm sau. Tại những nước này, khảo sát cho thấy, sau một thời gian cấm, hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định, tỷ lệ sử dụng rượu bia có xu hướng giảm. 

Lường trước việc không dễ thực hiện

Vấn đề dư luận quan tâm và nghi ngại là liệu quy định cấm bán bia, rượu sau 22h đến 6h hàng ngày sẽ được triển khai như thế nào và tính khả thi đến đâu? Thực tế từ xưa đến nay, nhiều người Việt Nam có thói quen tự do uống bia, rượu vào bất cứ thời gian nào. Hơn nữa, làm thế nào để giám sát, xử phạt được những người cố ý bán bia, rượu sau 22h đêm, mức xử phạt ra sao… đều không dễ thực hiện. Cũng vì thế, không ít người nhận định rằng, đây rất có thể lại mà một quy định mà Bộ Y tế đưa ra… cho vui chứ khó đi được vào đời sống. Nó cũng giống như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng mà Bộ Y tế ban hành gần đây song đến nay vẫn chưa có bất cứ trường hợp vi phạm nào bị xử phạt. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Trần Thị Trang cho biết, tổ soạn thảo dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng bia, rượu cũng hiểu rằng nếu quyết định lựa chọn phương án cấm bán rượu, bia sau 22h đến 6h hàng ngày thì sẽ cần nỗ lực rất cao trong tổ chức thực hiện. Tổ soạn thảo đều ý thức rất rõ được những khó khăn và tính khó khả thi của quy định này khi áp dụng trong thực tế. 

Cũng theo bà Trần Thị Trang, nếu muốn quy định đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, kiên trì phổ biến để từ thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành vi.   

Không lo ảnh hưởng đến du lịch

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, quy định cấm bán bia, rượu sau 22h sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, thực tiễn quốc tế cho thấy, việc cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau không làm giảm lượng khách du lịch đến quốc gia đó. Kinh nghiệm của Thái Lan hay Singapore - những nước nổi tiếng về du lịch là những ví dụ cụ thể. 2 quốc gia này cũng đều đã đưa ra quy định cấm bán bia rượu trong một khung giờ nhất định nhưng triển khai linh động, những nơi tập trung đông du khách thì cho phép uống bia, rượu muộn hơn. Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ VH-TT&DL, trong trường hợp ý kiến các Bộ ngành không thống nhất thì Chính phủ họp rồi bỏ phiếu để thống nhất phương án cuối cùng.