Tổng thư ký Ban Ki-moon (ngoài cùng bên phải) đi xe đạp
để kêu gọi con người hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về tính mạng con người, tài sản và tiền bạc, nó tác động đến mọi quốc gia, bất kể vị trí địa lý, nằm sâu trong lục địa hay ở vùng duyên hải, trình độ phát triển. Người đứng đầu LHQ khẳng định: “Biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, đẩy nhân loại tới bờ vực của sự nguy hiểm”.
Đã có rất nhiều cảnh báo, nghiên cứu về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với cuộc sống con người và môi trường sống trên Trái đất song đây là lần đầu tiên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh biến đối khí hậu có thể “đẩy nhân loại tới bờ vực của sự nguy hiểm”. Từ đó, ông kêu gọi mọi quốc gia, mọi người phải cùng hành động bởi đó là biện pháp quan trọng để ngăn chặn thảm họa đến từ thiên nhiên và nếu con người còn tiếp tục chậm trễ trong hành động thì sẽ phải trả giá đắt.
Một trong những nghiên cứu mới nhất cho biết, ước tính mỗi năm biến đổi khí hậu làm kinh tế thế giới tổn thất 1,2 nghìn tỷ USD. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 và lên tới 11% GDP ở những nước nghèo trên thế giới.
Hiện hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, đang sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng con số này có thể vượt qua mức 5 tỷ người vào năm 2025. Các khu vực sẽ chịu tác động lớn nhất là Đông và Nam Á, khu vực cận Sahara - châu Phi.
Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu không loại trừ bất cứ quốc gia nào và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân cũng như mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của biến đổi khí hậu là sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị, giao thông vận tải, sản xuất năng lượng và y tế.
Để đối phó với biến đổi khí hậu, LHQ đặt mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng lên quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra, đi đôi với đó là phát triển các phương tiện, mô hình tăng trưởng xanh.
Tại Abu Dhabi, Tổng thư ký Ban Ki-moon thúc giục cộng đồng quốc tế phải thông qua một chương trình hành động chung vào trước năm 2015 để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, theo hướng cùng nhau giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ủng hộ các kế hoạch phát triển bền vững. Để hướng tới mục tiêu này, vào tháng 9-2014 tại trụ sở ở New York, Mỹ, LHQ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu với hy vọng đại diện các quốc gia sẽ đưa ra những quyết định dũng cảm nhất, những sáng kiến tốt nhất cho một thỏa thuận toàn cầu để bảo vệ Trái đất.