- Chứng khoán sắp tái lập đỉnh, vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn "xa bờ"?
- Ủy ban Chứng khoán: Thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9 tới
- Các quỹ đang đầu tư ra sao trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, một thị trường chứng khoán phát triển thực chất chính là nền tảng để thu hút dòng vốn dài hạn.
“Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi không phải là đích đến, mà là kết quả tự nhiên khi chúng tôi kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển cốt lõi nhằm hướng đến một thị trường chứng khoán phát triển công bằng, minh bạch và hiệu quả” – Bộ trưởng nói.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc |
Thông tin với đoàn làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã và đang triển khai một số công việc sau:
Thứ nhất, về vấn đề tạo hàng cho TTCK, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp, bao gồm quy định về việc Đại hội đồng cổ đông được quyết định về giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán, qua đó, qua đó góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường, mở rộng quy mô vốn hóa và nâng cao tính hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian qua, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã được giao tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là bước điều chỉnh quan trọng trong công tác quản lý, nhằm thống nhất đầu mối, nâng cao hiệu quả giám sát và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát tổng thể, đánh giá tình hình hoạt động và tiềm năng cổ phần hóa của các doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để xây dựng phương án cụ thể, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để rà soát kỹ lưỡng danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện, với mục tiêu thu hẹp hợp lý các ngành nghề hạn chế tiếp cận. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát các ngành nghề của mình, cắt giảm các ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh trên thực tế, tập trung các ngành nghề chính và rà soát chi tiết ngành nghề để tăng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào doanh nghiệp.
Đối với việc triển khai các sản phẩm mới, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu và đề xuất triển khai các sản phẩm mới phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thị trường.
![]() |
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đại diện Tổ chức FTSE Russell tại buổi làm việc |
Thứ hai, về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của NĐTNN, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý và xóa bỏ những vướng mắc thực tiễn đang cản trở hoạt động đầu tư nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, trải nghiệm suôn sẻ, minh bạch và nhất quán là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời là tiêu chí quan trọng trong quá trình FTSE Russell đánh giá thị trường.
Thứ ba, liên quan đến thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhằm bảo vệ giá trị đầu tư trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động.
Thứ tư, về cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với việc đưa hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025. Trên nền tảng này, Bộ Tài chính đã giao UBCKNN chỉ đạo Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán xây dựng lộ trình triển khai CCP, sớm đưa cơ chế CCP vào vận hành từ đầu năm 2027.
Về các đề xuất hợp tác, Bộ Tài chính rất hoan nghênh sáng kiến của FTSE Russell trong việc mở rộng các bộ chỉ số phù hợp với thị trường Việt Nam. Bộ Tài chính sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các định chế thị trường tài chính trong nước với Tổ chức FTSE Russell cũng như các tổ chức tài chính toàn cầu.
Về phía FTSE Russell, đại diện đoàn công tác bày tỏ sự ấn tượng trước những nỗ lực cải cách toàn diện mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng vận hành thị trường vốn.
FTSE Russell cam kết hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thiết lập các chỉ số để giúp nhà đầu tư đánh giá và quản lý tốt hơn các rủi ro tài chính.
Đại diện tổ chức cũng nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cập nhật cơ sở hạ tầng thị trường vốn để thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc để FTSE Russell tiếp tục đồng hành lâu dài cùng Việt Nam cho đến năm 2045 – giai đoạn mà Việt Nam định hướng trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, có thị trường tài chính phát triển, minh bạch và hội nhập sâu rộng với thế giới.