Ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay trong 6 tháng cuối năm, dự báo 5 lĩnh vực rủi ro cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 6/2025.

Đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng ở mức cao

Theo kết quả điều tra, các TCTD cho biết tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức cao (từ 75-100%) trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ này ở nhóm 16 ngân hàng thương mại (NHTM) trọng yếu tiếp tục là 100%.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2025, phần lớn các TCTD tiếp tục giữ ổn định tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2025, các TCTD dự kiến giữ nguyên không đổi hoặc nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, trong đó, ưu tiên nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp và dự kiến áp dụng đối với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên gồm: Tín dụng xanh; Cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; Cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, đầu tư công nghiệp hỗ trợ; Đầu tư công nghiệp chế biến chế tạo và Cho vay tiêu dùng; Thuê, mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Các ngân hàng có xu hướng nới lỏng nhẹ các tiêu chuẩn tín dụng

Các ngân hàng có xu hướng nới lỏng nhẹ các tiêu chuẩn tín dụng

Trong 6 tháng cuối năm 2025, các TCTD kỳ vọng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được cải thiện tốt hơn 6 tháng đầu năm 2025, tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhu cầu vay của lĩnh vực đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh xuất nhập khẩu.

Trong 6 lĩnh vực chính khảo sát, nhu cầu vay thương mại và dịch vụ có tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao nhất; tiếp đến là vay phát triển công nghiệp và xây dựng, tín dụng xanh, vay phục vụ đời sống và tiêu dùng, cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, trong năm 2025, nhiều TCTD dự báo nhu cầu vay vốn của khách hàng doanh nghiệp tăng hơn so với khách hàng cá nhân; nhu cầu tín dụng của các khoản vay ngắn hạn được dự báo tăng cao hơn so với khoản vay trung và dài hạn.

Nhu cầu tín dụng gia tăng của nhóm khách hàng doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm được đánh giá là do diễn biến tăng trưởng kinh tế, diễn biễn lãi suất; thay đổi lãi suất cho vay của TCTD; thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đối với khách hàng cá nhân, việc cải tiến sản phẩm cho vay của TCTD được dự báo tác động nhiều đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn.

Các lĩnh vực được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhất trong năm 2025 và dự kiến cho cả năm 2026 là: Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Sản xuất thức ăn và đồ uống.

Ngân hàng tiếp tục nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng

Theo kết quả điều tra, rủi ro tín dụng của các khoản vay được nhận định giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, các TCTD lại quan ngại rủi ro có thể tăng rất nhẹ trở lại trong 6 tháng cuối năm 2025, tuy nhiên mức tăng không đáng kể, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2023 và năm 2024.

Mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tính đến cuối năm 2025 sẽ không thay đổi so với cuối năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2025 và cả năm 2025, rủi ro tín dụng của hầu hết các lĩnh vực đều được nhận định có cải thiện, tuy nhiên, lĩnh vực Đầu tư kinh doanh bất động sản và Đầu tư kinh doanh chứng khoán là hai lĩnh vực được đánh giá là có rủi ro tăng cao nhất.

Dự báo cho năm 2026, các TCTD kỳ vọng mặt bằng rủi ro sẽ cải thiện so với năm 2025. Tuy nhiên các TCTD quan ngại nguy cơ rủi ro có thể tăng nhẹ ở 5/16 lĩnh vực được khảo sát bao gồm: Đầu tư kinh doanh bất động sản, Kinh doanh xuất nhập khẩu, Đầu tư kinh doanh chứng khoán, Kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và Vay qua thẻ tín dụng.

Trong đó 02 lĩnh vực được đánh giá tiềm ẩn rủi ro cao nhất là Đầu tư kinh doanh bất động sản và Kinh doanh xuất nhập khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các TCTD cho biết đã nới lỏng các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân; các khoản vay sản xuất kinh doanh; các khoản vay phục vụ đời sống (vay tiêu dùng) và dự kiến tiếp tục xu hướng này trong 6 tháng cuối năm 2025.