Bộ trưởng Tài chính: Không bổ sung điện, dầu mỏ, muối, đường… vào danh mục bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị không bổ sung thêm các mặt hàng như điện, khí, dầu mỏ, muối, đường, thức ăn chăn nuôi… vào danh mục bình ổn giá quy định tại Luật Giá (sửa đổi).
ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội nghị

ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội nghị

Sáng nay, 6-4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về danh mục hàng hóa bình ổn giá và quản lý quỹ bình ổn giá.

Về Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - và nhân dân.

Đại biểu Hạ dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách, được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.

Về danh mục hàng hóa được nhà nước định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị rà soát kỹ và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Đại biểu chỉ rõ thực tiễn đã có những mặt hàng rất thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng lại không đưa vào danh mục.

Quan tâm đến danh mục hàng bình ổn giá, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành việc dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có quy định về mặt hàng bình ổn giá, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan.

Ông Hòa nhấn mạnh, giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước.

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Hòa cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình các ý kiến ĐBQH nêu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình các ý kiến ĐBQH nêu

Giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong quản lý giá. Ông cho biết, trong quá trình các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng phương pháp định giá chung đều có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.

Về danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị giữ 8 mặt hàng như quy định trong dự thảo luật này. Đối với các mặt hàng khác mà một số ĐBQH nêu như điện, khí, dầu mỏ, muối, đường, thức ăn chăn nuôi…, ông Phớc cho biết, các hàng hóa này đã được quy định ở luật chuyên ngành và trong quá trình tổ chức thực hiện có sự tham chiếu.

Trước ý kiến cho rằng quy định về quản lý nhà nước về giá có sự trùng lắp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, không có sự trùng lặp. Bộ Tài chính được phân định thẩm quyền ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thanh tra, kiểm tra. Còn lại các hàng hóa chuyên ngành phân về cho các bộ ngành quản lý.

“Ví dụ như giá điện giao Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế; giá về giáo dục giao Bộ Giáo dục; giá về khoa học công nghệ giao Bộ Khoa học công nghệ và ở địa phương thì phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của đại biểu liên quan đến các khái niệm, các điều cấm, thêm các giải pháp bình ổn giá xăng dầu; hội đồng thẩm định giá, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá; dữ liệu về giá...