Bổ sung thêm phác đồ điều trị sởi

ANTĐ - Ngày 22-4, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai hướng dẫn Phác đồ điều trị bệnh sởi  cho 33 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ. Tại buổi tập huấn này, vấn đề có thay đổi lịch tiêm vaccine sởi hay không cũng được đề cập.

Năm nay có nhiều trẻ nhỏ mắc sởi biến chứng nặng

Phác đồ bổ sung yếu tố mới

Điểm mới của phác đồ điều trị sởi theo Quyết định 327 vừa được Bộ Y tế ban hành là dành riêng một mục hướng dẫn chống phơi nhiễm sởi cho trẻ mắc các căn bệnh khác đang điều trị tại bệnh viện. Theo đó, sử dụng Immune Globuline tiêm bắp cho trẻ đang điều trị bệnh khác nhưng có phơi nhiễm với bệnh sởi, trẻ có suy giảm miễn dịch được tiêm liều gấp đôi. Phác đồ cũng đã phân tuyến điều trị sởi, trong đó tuyến xã hướng dẫn điều trị cho trẻ chưa có biến chứng, tuyến huyện chăm sóc điều trị cho bệnh nhân sởi có biến chứng hô hấp nhưng không suy hô hấp, tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị bệnh nhân sởi có biến chứng, tuyến trung ương chỉ điều trị bệnh nhân có biến chứng vượt quá khả năng điều trị của tuyến tỉnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi và đến nay hướng dẫn này vẫn phù hợp. Tuy nhiên, vụ dịch sởi năm nay xuất hiện diễn biến mới, có nhiều trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, vì thế Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp từ tháng 3 và thống nhất bổ sung thêm vào phác đồ điều trị sởi năm 2009 một số yếu tố mới như thêm thuốc tăng cường miễn dịch, dinh dưỡng, vitamin A liều cao... 

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi trẻ bị sởi - nhất là đối với các trẻ ít tháng tuổi, bị biến chứng nặng - gia đình cần hết sức thận trọng trong việc chăm sóc trẻ vì sức đề kháng của trẻ suy giảm nên rất dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Ngoài việc cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin A, người nhà nên giữ vệ sinh cho trẻ, tránh tiếp xúc đông người, những người trông trẻ cũng cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh tốt. Đặc biệt, môi trường điều hòa rất thuận lợi cho virus phát triển, vì thế, dù trời nóng nhưng cần phải để phòng luôn thông thoáng, tiếp xúc với ánh nắng.

Tiếp tục nghiên cứu virus sởi

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết, đến ngày 22-4, qua nghiên cứu gần 2.500 ca sởi thì chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, riêng đối tượng trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 11%. Với những trẻ nhỏ này, khi mắc sởi, tỷ lệ nặng và phải nhập viện nhiều hơn. Trong số 25 trẻ tử vong do sởi được xác định đến thời điểm này, chiếm tới 35% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Trước ý kiến có nên thay đổi lịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ, mũi tiêm đầu dưới 9 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các nghiên cứu hiện vẫn khẳng định miễn dịch từ người mẹ tiêm vaccine sởi truyền sang con có thể bảo vệ được trẻ cho đến lúc 9 tháng. Hiện Viện Vệ dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện đang phối hợp nghiên cứu thêm về virus sởi, các yếu tố liên quan… để xem xét việc có thay đổi lịch tiêm vaccine sởi hay không. “Đây là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ lưỡng bởi nếu tiêm cho trẻ dưới 9 tháng là một sự thay đổi lớn, có thể sẽ phải tiêm nhiều mũi hơn. Vì thế, quyết định đưa ra phải hết sức đúng đắn” - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Tỷ lệ tiêm phòng sởi của Hà Nội tăng nhanh

Chiều 22-4, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine sởi toàn thành phố đến hết ngày 22-4 đã đạt 92,3%, tăng 3% so với ngày 21-4. Số quận/ huyện có tỷ lệ tiêm đạt trên 95% cũng đã tăng lên 11, gồm: Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Hà Đông, Thạch Thất, Thanh Xuân, Long Biên, Đan Phượng, Tây Hồ, Thanh Oai, Hoài Đức. Trong ngày 22-4, thành phố tổ chức thêm 30 điểm tiêm vét vaccine sởi miễn phí cho những trẻ trên 23 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào trước đó, mỗi quận/ huyện 1 điểm. Với diễn biến như vậy, Sở Y tế kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên toàn thành phố là 95% trở lên vào ngày 25-4 tới.