Bó rau, khúc mía: Quà quý ngày 20-11

ANTĐ - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi các thành phố lớn rực rỡ hoa và quà mừng, thì nơi bản nghèo heo hút, các thầy cô giáo không màng đến quà xa xỉ, mà chỉ mong trò đến trường chăm hơn, đều hơn. Đường đến trường một bên là vực, một bên là núi. Vượt lên khó khăn, các thầy, cô giáo cắm bản vượt qua tất cả để mang con chữ, tình yêu thương đến với học trò miền núi. 

Bó rau, khúc mía: Quà quý ngày 20-11 ảnh 1Dù khó khăn đến đâu, các cô giáo vẫn nỗ lực bám bản, mang con chữ đến cho các em học sinh vùng cao

Người thầy “cắm” bản “gieo” chữ

13 năm nay, cô Cao Thị Nghĩa (trường Tiểu học Mường Lồng I, Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn không quên được bữa cơm trắng với quả ớt tươi và nước lã của học trò. Ngày mới lên công tác, năm 2002, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông nên cô trò không hiểu ngôn ngữ của nhau. Dạy thế nào các em cũng không hiểu, nhiều khi cô thấy bực dọc, khó khăn vô cùng... Nhưng sau khi lặng nhìn bữa cơm của trò trong căn bếp lụp xụp khiến cô giáo trẻ đã thay đổi suy nghĩ.

“Ngày ấy, trong gian bếp tối, không có bóng điện, chỉ có ánh lửa hắt ra, các em ngồi sụp xuống nền đất, xúm lại quanh nồi cơm trắng. Chẳng có bát, đũa, em nào em nấy một tay bốc cơm ăn, tay kia cầm quả ớt cay mút một cách ngon lành. Vì không có gì ăn, các em chỉ có quả ớt tươi cay để tăng vị giác cho ngon hơn. Tôi bật khóc khi nghĩ đến con mình, học sinh thành phố hàng ngày được bố mẹ chăm sóc, được ăn thịt, cá, được vui chơi, có quần áo ấm... Kể từ đó, tôi cảm thấy thêm yêu, thương, cảm thông cho cuộc sống của học trò và nỗ lực chia sẻ, giúp đỡ các em đỡ thiệt thòi hơn”, cô Nghĩa nghẹn ngào khi nhớ lại.

Kể về con đường đến trường, cô Nghĩa bộc bạch: “Ra Thủ đô thì ăn mặc đẹp thế này thôi, chứ bình thường chúng tôi đi ủng, dép lê, xắn quần, lội bùn đi bộ 2 tiếng đồng hồ đường rừng mới đến điểm trường. Những năm gần đây có nhà bán trú cho giáo viên, xe máy đi được, nhưng một bên là vực, bên kia là núi, xe máy về số 1 mà một người dắt, một người đẩy”. 

Ước một lần về sinh nhật con

Cô giáo người dân tộc Thái, Lò Thị Chiển xúc động khi nhắc lại những ngày đầu gieo chữ tại trường Mầm non Nậm Khăn (Nậm Pồ, Điện Biên). Được phân công dạy điểm trường cách điểm trung tâm 6 cây số, đường lầy lội, cô cùng một nữ đồng nghiệp đi bộ 4 tiếng mới vào tới nơi. Lúc đó, trường học chỉ là nhà tạm, xiêu vẹo, bàn ghế ọp ẹp, không có điện, nước hay sóng điện thoại.

Đã bước sang năm thứ tư, cô vẫn nhớ như in những buổi mờ sương, chân tay tê cóng, đi bộ đến từng nhà gọi các em tới trường. “Nhà dân ở không tập trung, đi lại rất vất vả. Xuống đến nơi, người ta nói không cho con đi học vì “đi học không có cái ăn, cho con lên nương mới có cái ăn”. Một lần không được, nhưng vài lần đến nói chuyện, vận động, dần họ cũng hiểu”, cô Chiển nhớ lại.

Cô kể, những ngày mùa đông, trên này rét cóng, nhưng trẻ con đi học chẳng có quần áo ấm hay giày để đi. Chân tay tím, nứt nẻ, vừa học vừa co ro trong manh áo mỏng. Nhìn thương, xót xa lắm! Có lẽ vì thế mà cô Chiển dù đang công tác cách nhà 320 cây số (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) nhưng vẫn kiên trì bám trụ vì tình thương trẻ và lòng yêu nghề. “Nếu ngại xa, sợ khổ thì các em không biết chữ, không được đi học. Trên này, chủ yếu dân tộc Mông, người dân nhận thức còn hạn chế, nên chưa bao giờ mình được nhận quà từ học sinh, thấy các em đến lớp là vui lắm rồi”, cô Chiển chia sẻ.

Khi nhắc đến gia đình, cô giáo trẻ rơm rơm nước mắt: “Chưa ngày nào mình làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con dâu. Đứa lớn của mình đã 11 tuổi nhưng chưa năm nào về sinh nhật con được. Trong một năm học, mình chỉ được về quê dịp lễ tết, hè. Nhiều khi về nhà, những câu nói vô tư của con khiến mình bật khóc. “Mẹ ơi, ở nhà vui hơn, sao mẹ phải đi làm?”; “Mẹ ơi, các bạn được mẹ đưa đi học, sao con không được?”... Về nhà, con quấn lấy, lúc đi chẳng đành lòng. Đêm Trung thu, gọi điện về, con hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ không về đưa con đi chơi Trung thu” khiến lòng mình thắt lại, nghĩ thương con, tủi thân mà khóc”, cô Chiển kể.

Hàng ngày được thấy học sinh đến trường chăm hơn, đều hơn, là niềm vui lớn. Dành tình cảm và sự chăm sóc cho học sinh như con cái mình cũng làm cô giáo Chiển nguôi đi nỗi nhớ con phần nào. Ngày 20-11 của cô giáo Chiển không quà xa xỉ, không bó hoa tươi thắm. Mà thay vào đó là bó rau, quả bí, khúc mía người dân đem đến đưa cô giáo, xuất phát từ tình cảm quý mến chân thành. Đấy là món quà quý giá nhất của những người thầy bám bản như cô giáo Lò Thị Chiển.