Bộ Nông nghiệp sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế “mở cửa” với người đã tiêm vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người đã được tiêm vaccine Covid-19 sẽ được đi đâu, làm gì để duy trì sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Theo đó, thời gian qua, Bộ NN&PTNT liên tục có các cuộc họp, hội nghị ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó có ý kiến đáng chú ý của nhiều doanh nghiệp là: cần có cơ chế cho những người dân đã tiêm 1 mũi, đủ 2 mũi vaccine Covid-19.

Từ kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm vaccine Covid-19 sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên để duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vaccine, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.

Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế “mở cửa” với lao động đã tiêm vaccine

Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế “mở cửa” với lao động đã tiêm vaccine

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm.

Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính: duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ...

Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì 3 tại chỗ (nhất là các nhà máy, kho lạnh).

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng năm 2021 đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm sâu so với cùng kỳ và tháng 7/2021 (đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021).