Bố mẹ biến con thành "những chú gà công nghiệp"

ANTĐ - "Bố mẹ cậu quá đáng thật đấy. Biết là cậu bận học mà còn bắt rửa bát, nấu cơm, lại còn cả lau nhà nữa. Nhà tớ những việc đấy ô-sin làm tất, hôm nào ô-sin về quê thì mẹ tớ làm"

- Bố mẹ cậu quá đáng thật đấy. Biết là cậu bận học mà còn bắt rửa bát, nấu cơm, lại còn cả lau nhà nữa. Nhà tớ những việc đấy ô-sin làm tất, hôm nào ô-sin về quê thì mẹ tớ làm. Tớ thì chả bao giờ phải làm, chị tớ cũng thế. Mẹ tớ bảo các con cứ học cho giỏi là được rồi.

- Tớ thấy những việc đấy cũng chẳng nặng nhọc gì. Với lại mẹ tớ bảo phải biết làm cho quen sau này lấy chồng còn biết làm.

- Suy nghĩ của mẹ cậu đúng là cổ lỗ sĩ. Ô-sin bây giờ thiếu gì, chỉ lo không có tiền mà thuê thôi.

Ngồi trên xe bus tình cờ nghe hai cô nữ sinh trung học chuyện trò với nhau khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Bởi vừa mới tối qua thôi, chị gái tôi vừa gọi điện than thở về cô con gái cưng. Số là chị tôi có đứa con gái học rất giỏi. Từ nhỏ đến lớn, năm nào con gái chị tôi cũng đứng đầu lớp, đầu khối, đi thi học sinh giỏi giành hết giải này, giải nọ nên bố mẹ rất hãnh diện, tự hào. Chị gái tôi là kế toán của một công ty tư nhân, chồng chị là kỹ sư điện, công việc của hai vợ chồng rất bận rộn, không có người giúp việc nên đi làm về là chị tôi lăn ra với công việc nhà.

Nhà có hai đứa con: con gái 15 tuổi, con trai 10 tuổi nhưng chẳng bao giờ chị cho động tay vào bất cứ việc gì. Khi cần thì chị nhờ chồng chứ không sai con vì chị đã "chỉ thị": Các con cứ học cho giỏi là được. Được mẹ chỉ thị như vậy nên ăn cơm xong là hai đứa thả bát đứng lên, ngủ cũng phải có người gọi dậy, đến cái chăn cái màn cũng bố mẹ gấp... Vậy nên con gái chị học giỏi những ngay cả những việc đơn giản nhất cũng không biết làm. Có lần cháu đến nhà tôi chơi, tôi vội đi đón con nên nhờ cháu nhặt hộ mớ rau ngót. Nửa tiếng sau quay về vẫn thấy cô cháu ngồi trước cửa, tay bứt từng lá rau một... khiến tôi ngao ngán. Trong nhà tôi có bánh gai mang ở quê lên đưa cho cháu ăn nhưng nó lóng ngóng không biết bóc. Cháu tôi bảo: ở nhà, những việc này cháu không phải làm.

 

Hôm đến nhà chị, thấy chị vừa nấu bếp vừa tranh thủ lau nhà trong khi cháu gái tôi ngồi ung dung nghe nhạc, cháu trai cắm đầu vào ti vi, tôi liền góp ý với chị:

- Các cháu nó lớn rồi, những lúc rảnh rỗi chị phải bảo chúng nó làm chứ.

Chị tôi vẫn không ngưng tay:

- Chúng nó học nhiều nên thời gian rỗi muốn cho chúng nó nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem ti vi để lấy lại sức.

- Làm việc nhà cũng là cách nghỉ ngơi, thư giãn chứ sao?

Nghe tôi nói vậy chị tôi vẫn cố thủ:

- Ừ, biết vậy nhưng mình vẫn còn làm được thì làm cho chúng nó, để chúng nó làm lóng nga lóng ngóng thà mình làm cố cho xong.

Tôi đã đem kể một số chuyện mà tôi biết để cảnh báo chị nhưng chị tôi không nghe. Chị tôi vẫn cứ thương con, bao bọc con như thế cho đen khi nhà có chuyện. Hôm đó đi làm về chị tôi bị tụt huyết áp ngất xỉu phải vào bệnh viện. Lúc tỉnh lại chị giục chồng gọi điện về cho con. 10h tối, hai đứa con vẫn chưa ăn tối không phải vì lo cho mẹ mà vì chưa có gì ăn. Bố nó phần vì lo lắng phần vì bực mình đã quát um lên.

- Nếu không nấu được cơm thì nhà có sẵn mỳ tôm đó nấu lên chị em cùng ăn, đằng này chúng cứ ngồi chờ mẹ về. Dì xem thế có khổ không chứ? Chị tôi phân trần.

- Chị mà cứ chăm con theo kiểu đấy thì còn khổ nhiều.

Chắc chị tôi đã vỡ ra nhưng rối trí không biết bắt đầu từ đâu nên nhờ tôi “tư vấn".

- Bắt đầu từ những việc đơn giản như rửa bát, quét nhà, chị phải dạy các cháu làm, trước là để tự phục vụ bản thân, để đỡ đần bố mẹ và để sau này dù sống trong môi trường nào chúng nó cũng thích nghi được.

Chuyện của chị tôi, chuyện tôi nghe được trên xe bus không phải là chuyện hiếm gặp trong các gia đình hiện nay. Tôi tự hỏi: Những ông bố bà mẹ như thế liệu có sống với con cả đời để lo cho con không? Và con cái họ khi lớn lên có thể là những người uyên bác về học vấn, giàu có về của cải nhưng đến những việc đơn giản nhất như chuẩn bị cho mình mọt bữa ăn cũng không làm được thì những người tưởng như đã trưởng thành và thành đạt ấy ấy vẫn chỉ là "những chú gà công nghiệp".