Bộ GD-ĐT lý giải việc khuyến cáo trường ĐH lớn chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ sàng lọc, sơ tuyển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 6-10, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng trước thắc mắc xung quanh khuyến cáo các trường ĐH có tính cạnh tranh cao chỉ nên lấy kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ sàng lọc, sơ tuyển trong tuyển sinh năm 2022.
Lo lắng trước khuyến cáo của Bộ GD-ĐT với các trường ĐH lớn không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 làm căn cứ xét tuyển.

Lo lắng trước khuyến cáo của Bộ GD-ĐT với các trường ĐH lớn không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 làm căn cứ xét tuyển.

Bộ GD-ĐT tối 5-10 đã đưa ra khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Điều này gây nhiều thắc mắc về định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khi kết quả kỳ thi này theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT sẽ không còn là căn cứ để xét tuyển ĐH vào những trường tốp đầu.

Chiều 6-10, giải thích về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, thực tế cho thấy, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã làm cơ sở tin cậy cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là yêu cầu cần thiết.

Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD-ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.

"Việc này chỉ triển khai nếu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong Đề án tuyển sinh. Đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Do vậy, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh" - ông Trinh nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học/nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc cho phép các địa phương tổ chức các đợt thi tốt nghiệp tùy theo tình hình dịch bệnh cũng khiến nhiều người lo lắng việc xét tuyển ĐH căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT có đảm bảo công bằng không khi mỗi địa phương thi theo đề thi khác nhau.

Về vấn đề này, ông Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi. Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương. Đề thi là tổ hợp từ một ngân hàng câu hỏi đủ lớn và được cân bằng về độ khó. Nếu thêm đợt thi, đề vẫn được tổ hợp từ ngân hàng đó.

Việc phòng, chống gian lận thi cử là một trong những yêu cầu đặt ra hàng đầu trong mỗi Kỳ thi. Trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ phát triển như hiện nay, việc chống gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ tiếp tục được đặt ra với yêu cầu cao hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn của tất cả các bên tham gia, ở tất cả các khâu của kỳ thi.