Bình yên dưới chân núi Tản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xen lẫn trong dòng người tất tả cuối năm trên các nẻo đường đồi núi thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an xã kiên trì thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự. Niềm vui của các anh chỉ đơn giản là những ca trực, nhưng phiên tuần tra và không có vụ việc phức tạp liên quan.

Ấm áp tình quân dân

Đến trụ sở Công an xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hình ảnh đông đảo bà con tấp nập ra vào. Có người trên tay cầm mớ rau, người cầm con cá, quả bưởi, và có cả người cầm giấy tờ… Miệng nở nụ cười trìu mến, chị Phạm Thị Mến vừa đưa mớ cá biếu chú Công an xã, vừa đon đả: “Cá ao nhà vừa tát, chú cầm vào nấu bữa tối trước khi đi tuần nhé!”. Chị Phạm Thị Mến cho hay, kể từ ngày có các anh Công an xã về, bà con ai cũng cảm thấy an tâm hơn. “Trước đây, mỗi khi đi ra đường vào buổi tối là chúng tôi rất ngại. Lúc ấy, tình hình an ninh, trật tự còn phức tạp, nhưng giờ đây cảm giác ấy không còn” - chị Mến chia sẻ.

Chiếc xe máy “3 trong 1” có gắn loa phục vụ những buổi tuyên truyền lưu động của lực lượng Công an xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, TP Hà Nội)

Chiếc xe máy “3 trong 1” có gắn loa phục vụ những buổi tuyên truyền lưu động của lực lượng Công an xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, TP Hà Nội)

Khánh Thượng là một xã miền núi nằm ở sườn Tây núi Ba Vì. Là xã trực thuộc thành phố, nhưng ở đây có tới 50% dân số là đồng bào dân tộc. Người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tự cung tự cấp, mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế khiến cho tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có những thời điểm chưa ổn định. Nhưng từ khi CATP Hà Nội thực hiện đưa Công an chính quy về xã, Khánh Thượng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Để có được sự bình yên đó là hành trình dài hơn 2 năm của tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an xã Khánh Thượng cùng các đồng chí công an bán chuyên trách đã ngày đêm bám dân, đem bình yên đến cho người dân dưới chân núi Ba Vì.

Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên - Trưởng Công an xã Khánh Thượng chia sẻ, anh chuyển đến xã Khánh Thượng từ năm 2020. Mặc dù địa bàn này cách nhà 82km, nhưng là một người lính, anh luôn tâm niệm sẽ đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà lực lượng Công an nhân dân yêu cầu. “Cuộc sống chúng tôi tuy xa nhà, nhưng được bà con địa phương quý mến, động viên, nên đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ để đáp lại tấm lòng của người dân” - Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên nói.

Bình yên đến từng thôn xóm, bản làng

Bình yên đến từng thôn xóm, bản làng

“Hạ sơn, quần cư” cùng nhân dân

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, Khánh Thượng là địa bàn xa nhất của Thủ đô về phía Tây Bắc, giáp với tỉnh Hòa Bình. Do có tới 50% người dân trong xã là đồng bào dân tộc nên các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Khánh Thượng cũng khá vất vả trong quá trình thực hiện các đợt cao điểm của Bộ Công an và CATP Hà Nội giao. “Công tác tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, pháp luật Nhà nước là một yếu tố quan trọng, bởi đặc thù địa bàn là cư dân sống thưa thớt. Một số thôn ở xa nên việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi lực lượng Công an chính quy về đã tạo luồng gió mới khi đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác tuyên truyền” - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn đánh giá.

Điển hình là việc thành lập mô hình 5 tổ tự quản về an ninh, trật tự tại thôn Bắt Còn Chèm, xã Khánh Thượng. Các tổ tự quản này có nhiệm vụ tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tuyên truyền vận động cán bộ, quần chúng nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và nội quy, quy chế hoạt động của thôn. Người dân tại xã giờ đây cũng đã quen với những bài đăng của các đồng chí Công an xã trong nhóm Facebook: “Tôi yêu xã Khánh Thượng - huyện Ba Vì - thành phố Hà Nội”. Hầu như ngày nào các anh cũng cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, lịch tiêm chủng, lịch cấp mã định danh cá nhân, cảnh báo phòng, chống tội phạm... tại nhóm Facebook này.

Về Khánh Thượng, chúng tôi thấy ấn tượng khi cán bộ, chiến sĩ luôn vận dụng linh hoạt điều kiện cơ sở vật chất hiện có để phục vụ công việc hiệu quả. Đầu tiên là chiếc xe máy “3 trong 1” có gắn loa phục vụ những buổi tuyên truyền lưu động. Nhờ sự gọn nhẹ này, loa truyền thanh di động có thể đi tới mọi thôn, xóm, ngõ ven chân núi. Các thông tin về diễn biến của dịch bệnh Covid-19, thời gian làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp, thu thập dữ liệu dân cư hay cảnh báo những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm... đều được Công an xã Khánh Thượng tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Xuống địa bàn, bám cơ sở, gần dân, dựa vào dân để làm việc, phương châm này đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi. “Chúng tôi cứ nói vui là “hạ sơn, quần cư” cùng nhân dân. Nhân dân ở đâu là có chúng tôi ở đó. Dù xa xôi, vất vả cũng không ngăn được bước chân chúng tôi xuống với dân” - Trưởng Công an xã Khánh Thượng tâm sự.

Một mùa xuân mới lại về. Và trong những ngày cuối năm tất bật, các cán bộ, chiến sĩ Công an xã và Công an xã bán chuyên trách ở Ba Vì vẫn đang có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các anh đã thực sự trở thành niềm tin của nhân dân, mang bình yên đến từng thôn xóm, bản làng, xây dựng đời sống mới nơi rẻo cao Ba Vì hôm nay.