Công an chính quy về xã – Vững vàng thế trận an ninh trong lòng dân (5): Trọn vẹn nhiệm vụ “xã bám cơ sở”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Xã bám cơ sở” là một trong những mục tiêu trọng yếu đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ rõ. Nội hàm của mục tiêu ấy thể hiện rõ hình ảnh người chiến sỹ Công an gắn bó mật thiết, chí nghĩa, chí tình với nhân dân, hết mình vì nhân dân phục vụ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để từng cán bộ, chiến sỹ thực sự “bám cơ sở” trong cả nhận thức lẫn hành động.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ với sự vất vả của các nữ chiến sỹ công an và lực lượng Công an cơ sở

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ với sự vất vả của các nữ chiến sỹ công an và lực lượng Công an cơ sở

Đặt danh dự của người chiến sỹ Công an lên trên hết

Tháng 6-2022, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc. Một lần nữa, thực tế kết quả bước đầu khẳng định chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là rất đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở và ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân. Công an xã, thị trấn đã tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở; là một trong những lực lượng nòng cốt, tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cấp Căn cước công dân gắn chíp; thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; triển khai đăng ký phương tiện xe máy tại Công an xã. Quãng thời gian 3 năm chưa dài, nhưng cũng đã cơ bản đủ để đánh giá, nhìn nhận những kinh nghiệm, cách nghĩ, cách làm, những điều cần thiết để ngày càng có được lực lượng công an cơ sở “tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân”, luôn có mặt “lúc dân cần, lúc dân khó”.

Quá trình thực hiện loạt bài viết này, trong câu chuyện với các chuyên gia, những nhà quản lý trong và ngoài lực lượng CAND, người làm công tác cán bộ và đặc biệt với chính cán bộ, chiến sỹ Công an xã… điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận là để có được đội ngũ Công an xã chính quy, vững mạnh, hiện đại là phải luôn có tâm thế đặt danh dự người chiến sỹ CAND lên trên hết.

Trung tá Nguyễn Thế Nhật - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (nguyên Trưởng Công an xã Minh Châu, huyện Ba Vì) nhìn nhận: “Giai đoạn đầu tiên, không thể phủ nhận là ở nhiều xã có những cán bộ, chiến sỹ vẫn mang tư tưởng về xã là… hết. Khoảng cách từ nhà đến cơ quan quá xa, môi trường và điều kiện làm việc thay đổi hoàn toàn, cơ hội để chứng tỏ và phát triển bản thân có vẻ sẽ khó khăn hơn. Tất cả những suy nghĩ ấy khiến họ tự đánh mất động lực để cố gắng. Và khi đó, một trong những yếu tố quan trọng để khơi dậy tinh thần chính là việc xác định danh dự cá nhân, danh dự của người chiến sỹ CAND. Mặt trận nào, môi trường nào, cũng đều vì nhân dân, vì bình yên cuộc sống. Trọn vẹn với nhiệm vụ cũng chính là trọn vẹn với bản thân, với vinh dự khoác lên mình bộ sắc phục CAND”.

Đồng tình với suy nghĩ này, Thiếu tá Tạ Trung Kiên - Trưởng Công an thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín cho rằng: “Khi đã định hình, đã “thông” được tư tưởng, từ tập thể Công an xã, thị trấn đến từng cán bộ, chiến sỹ phải xây dựng được phương pháp làm việc khoa học trên cơ sở đồng bộ các yêu cầu nhanh chóng hòa nhập địa bàn, làm thật tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, xây dựng đoàn kết trong đơn vị với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và phát huy tính nêu gương của người chỉ huy”. Theo Thiếu tá Tạ Trung Kiên, công an cơ sở phải chủ động làm tốt công tác tham mưu và củng cố mối quan hệ phối hợp, gắn kết chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các ngành, đoàn thể. Phải phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm ANTT trên cơ sở xây dựng các mô hình, phong trào, chuyên đề sát hợp thực tế địa bàn với nòng cốt là đội ngũ cán bộ cơ sở và Công an xã bán chuyên trách. “Đơn vị nào cũng vậy, cán bộ, chiến sỹ phải không ngừng tự học, tự rèn luyện. Người chỉ huy phải thể hiện vai trò vừa cầm tay chỉ việc, vừa nhận việc khó về mình” - Thiếu tá Tạ Trung Kiên đúc kết.

Quan tâm đồng bộ lực lượng cơ sở

Tại Hội nghị sơ kết quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an cơ sở, nhất là Công an xã đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, đẩy mạnh các mặt công tác, tạo chuyển biến tích cực về tình hình ANTT nói chung. Bộ trưởng đã đánh giá rất cao hơn 60.000 cán bộ, chiến sĩ ở xã vô cùng vất vả, hoạt động 24/24h trong những điều kiện rất khó khăn. Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, thành phố cần bố trí thời gian xuống với cán bộ cơ sở. Công an tỉnh, huyện cần tập trung chăm lo lực lượng Công an xã, xem hoạt động của cán bộ, chiến sỹ có gì khó khăn, nơi ăn, chỗ ở như thế nào.

Trọn vẹn mục tiêu “xã bám cơ sở” như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, rất cần sự quan tâm thấu đáo, chia sẻ từ cấp trên. Cùng với việc nắm được tâm tư, tình cảm của Công an xã thì cần thấy được cái khó của cơ sở, hiểu được điều cơ sở đang cần, đang thiếu, từ đó quan tâm, chỉ đạo từng bước khắc phục, tạo thêm động lực giúp cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá Trương Thị Liễu - Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì mong muốn: “Khối lượng công việc tương đương Công an phường, trong khi cán bộ, chiến sỹ phải làm việc xa nhà, biên chế mỏng… Những yếu tố đặc thù ấy rất cần sự quan tâm, điều chỉnh hợp lý hơn nữa về chế độ chính sách cũng như các tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng”.

Trung tá Nguyễn Thế Nhật- Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, một trong những “lứa” công an chính quy về xã đầu tiên, kiến nghị: “Vấn đề hết sức quan trọng nữa là công tác đào tạo. Trước khi điều động, phân công về xã, lực lượng công an chính quy đã được tập huấn, phổ biến những quy định pháp luật về vai trò, nhiệm vụ của Công an xã trong tình hình mới. Tuy nhiên, số lượng các buổi tập huấn vẫn chưa nhiều, trong khi khối lượng công việc ở cấp cơ sở vô cùng lớn. Bên cạnh yêu cầu tự học, tự rèn luyện, công tác đào tạo cần được tính toán triển khai theo hướng tăng thời lượng, tăng tính thực tế”.

“Xã bám cơ sở” cần thêm nữa việc nghiên cứu, tính toán cơ chế cụ thể để luân chuyển, bổ nhiệm đối với những cán bộ, chiến sỹ có ý thức, tinh thần cống hiến, trách nhiệm và kết quả công tác tốt. Đây là điều hết sức quan trọng, vừa thể hiện sự quan tâm của cấp trên, vừa tạo động lực để cá nhân nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là “pháo đài” giữ ANTT cấp cơ sở.

Để Công an xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

HĐND TP Hà Nội mới đây đã thống nhất chủ trương phân bổ 129,7 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở làm việc Công an xã gồm 83 cơ sở làm việc công an xã thuộc CATP”. Trước đó, ngày 1-11-2021, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4681/ QĐ-UBND về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố đồng ý thực hiện đề án xây dựng trụ sở Công an xã với mức kinh phí 1.900 tỷ đồng. Chủ trương của Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh CATP triển khai Công an xã chính quy với cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Tính đến tháng 9-2022, vẫn còn 372 Công an xã, thị trấn được bố trí trụ sở tạm, chung với UBND xã hoặc mượn tạm các trụ sở của các đơn vị khác. Trụ sở mới khang trang không chỉ khẳng định tính chính quy của Công an xã mà cán bộ, chiến sỹ sẽ có thêm điều kiện tốt thực hiện nhiệm vụ giữ vững ANTT và phục vụ nhân dân trọn vẹn nhất.