Biết ơn thầy cô, nhưng...

ANTĐ - Nhân ngày 20-11, bên cạnh lời tri ân các thầy cô giáo, nhiều người tiếp tục lên tiếng đề nghị làm rõ, kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Một lớp học thêm cho học sinh tiểu học

“Rất nhiều người đổ lỗi cho ngành giáo dục, cho thầy cô, nhưng tôi cho rằng đại đa số các thầy cô đã làm tròn trách nhiệm cao quý của mình. Việc dạy thêm kiếm tiền chỉ có ở thành phố chứ ở quê tôi thì thầy cô giáo nghèo lắm. Dù nhiều học trò nghèo không có tiền đóng học, nhưng nhiều thầy cô vẫn nhiệt tình dạy, phụ đạo giúp cho các em nắm vững kiến thức hơn”. Cung cấp thông tin như thế, bạn đọc Hoài Giang xúc động viết: “Chúc các thầy cô mạnh mẽ, vững tin thực hiện ước mơ trồng người. Để có ngày hôm nay, tôi rất biết ơn những thầy cô đã dạy tôi kiến thức và lẽ sống”.

Đó là một trong số ít các ý kiến “thuận chiều” nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trong khi đọc bài viết “Càng gỡ càng thêm rối”, bạn đọc Lê Vi nhận định: “Ngành giáo dục suy cho cùng cũng là ngành dịch vụ... Vậy tại sao khi người công nhân làm việc ngày thứ 7 thì ngành giáo dục lại nghỉ ngày thứ 7, người lao động tan lúc 5 giờ, về nhà lúc 6h nhưng nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học  lại trả các con lúc 16h30. Đây chính là cớ để phụ huynh phải nhờ giáo viên dạy thêm và giữ trẻ luôn trước khi vào năm học mới. Khi vào học nhà trường lại tổ chức học tăng cường nên các cháu lại phải học tiếp. Ngành giáo dục nên xem lại mình, đừng kêu khó”.

“Mong các giáo viên dạy thêm nên có tâm, có đức mà thu tiền học thêm mức độ vừa phải thôi cho phù hợp với các gia đình thu nhập thấp có 2 con đi học (chiếm số đông). Không nên đua nhau, bảo nhau tăng mức thu phí học thêm như hiện nay. 1 lớp học thêm của giáo viên tại lớp thì hầu như cả lớp theo học (50.000đ x 40 HS ) thì 1 buổi học giáo viên thu trung bình là 2 triệu đồng, 1 tháng 4 buổi 8 triệu đồng 1 lớp mà 1 giáo viên thì dạy nhiều lớp chưa kể lương nhà nước trả 100.000đ/môn mỗi tháng còn chấp nhận được”, bạn đọc Lê Thị Hoa nêu quan điểm khi đọc bài “Gỡ rối” dạy thêm học thêm.

“Hoàn toàn đồng ý với việc cấm dạy thêm!”, bạn đọc Duylinh Nguyen đề xuất: “Thay vào đó nhà trường có thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Với cách làm này có thể vừa đảm bảo kiến thức cho học sinh vừa thuận lợi trong công tác quản lý. Hiển nhiên với việc dạy 2 buổi/ngày thì mức học phí phải thu thêm, nguồn thu này vừa có thể đảm bảo ngân sách cho ngành giáo dục, lương giáo viên cũng tăng theo vì số tiết dạy tăng, với các chính sách xã hội học sinh ngèo, khó khăn vẫn có thể cạnh tranh công bằng với các bạn khác”.

 “Đề nghị cho email, điện thoại để cung cấp tên giáo viên, địa chỉ lớp học thêm trái phép tại nhà riêng, lớp không đăng kí , không được cấp phép của cấp thẩm quyền. Trong khi các trường học Hà Nội cần thực hiện hai không: không thu tiền thêm, không dạy thêm”, một bạn đọc khác bức xúc viết.

Trong khi đó, bạn đọc Lê Hùng có quan điểm ngược lại: “Dạy thêm học thêm là nhu cầu hết sức bình thường của một xã hội tiên tiến. Ai cũng muốn con mình tốt hơn. Chẳng qua là lại thêm một hoạt động nữa không quản lý được thì cấm, chán!”.