Bị lừa khi mua sắm trực tuyến: Số tiền nhỏ, mất lòng tin lớn

ANTD.VN - Chỉ cần ngồi tại nhà là đã có thể dễ dàng xem đủ thông tin về sản phẩm, biết rõ mức giá, so sánh các shop bán và được mang hàng tận nơi, những ưu điểm đó của thương mại điện tử khiến ngày càng có nhiều người lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi. Bởi khi tận tay cầm món hàng đặt mua lên xem, không ít người ngỡ ngàng vì đó chẳng phải thứ họ tưởng, hay thậm chí gần đây, nhiều người không hề đặt hàng vẫn bị giao đồ tới tận nơi, như vụ “kẹp giấy giá 79.000 đồng”.

Trong thời gian qua, Báo ANTĐ đã phản ánh nhiều sự việc bức xúc trên môi trường thương mại điện tử. Phần thiệt luôn thuộc về các khách hàng, bởi khi phát hiện mình đã bị lừa, họ chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” và tự dặn lòng coi số tiền bỏ phí là “học phí mua sắm online”.

Mua thiết bị thông minh, nhận về… cục đất sét

Bị lừa khi mua sắm trực tuyến: Số tiền nhỏ, mất lòng tin lớn ảnh 1

"Thiết bị thông minh" chứa toàn đất sét do tài khoản Facebook lừa đảo gửi cho người mua

Giữa tháng 10-2018, anh Nguyễn B. (SN 1992, trú tại TP.HCM) truy cập trang Facebook “Anker Thiết bị thông minh”, và rất ấn tượng với nội dung quảng cáo thiết bị đa năng này. Khi hỏi thăm thì anh B. được người bán tư vấn rất nhiệt tình. Do giá bán mỗi thiết bị chỉ là 550.000 đồng nên anh B. đã đồng ý chuyển khoản trước.

Tới khi nhận hàng từ Hà Nội chuyển vào, anh B. cảm thấy rất bất thường, khi vỏ thiết bị ọp ẹp, làm từ nhựa rẻ tiền. Lúc thử vận hành thì thiết bị hoàn toàn không chạy được tính năng nào. Anh B. quyết định tháo ốc, mở thiết bị ra kiểm tra thì phát hiện bên trong chỉ là… 3 dải đất sét màu để tạo trọng lượng cho việc lừa đảo dễ dàng hơn.

Khi phản hồi lại trang lừa đảo, anh B. đã bị chúng chặn liên lạc.

Chợ trực tuyến bán vé giả xem bóng đá

Đầu tháng 12-2018, thị trường mua bán vé bóng đá xem đội tuyển Việt Nam thi đấu trận chung kết AFF Cup 2018 sôi động hơn bao giờ hết, do tình trạng “cháy vé” xuất hiện từ rất sớm.

Do không đặt được vé qua các kênh chính thức, nhiều người đã tìm tới những chợ trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử để “cầu may”.

Những tờ giấy in màu vô giá trị này đã được bán giá vài triệu đồng khi thị trường lên cơn sốt

Anh N.L (SN 1999, trú tại TP.HCM) có kế hoạch ra Hà Nội xem trận chung kết, và đã đặt mua 1 cặp vé từ chợ trực tuyến với giá 12 triệu đồng. Tới khi nhận được vé qua đường bưu điện, anh đã phát hiện đó là vé giả, dù những chiếc vé này được in màu khá cầu kỳ.

“Trên chợ trực tuyến, có rất nhiều nguồn rao bán vé như vậy, nhưng cả 2 đầu mối mà tôi đặt mua đều giao vé giả”, anh L. chia sẻ với PV Báo ANTĐ.

“Cảm ơn anh vì đã bị LỪA!”

Đầu tháng 1-2019, anh N.H (Lào Cai) đặt mua chiếc tẩu sạc 3,1A với giá 250.000 đồng trên trang Facebook Đồ chơi Tiện ích Xe hơi. Tương tự vụ lừa đảo kiểu “Facebook Anker Thiết bị thông minh”, những kẻ rao bán qua Facebook tư vấn cho người mua rất nhiệt tình. Tới khi người nhà thanh toán tiền và anh H. nhận đồ thì mới biết bị lừa, bởi chiếc tẩu được giao chỉ có cổng 1A và 2,1A, không đúng như quảng cáo.

Lúc phản hồi với phía bán, anh H. còn ngạc nhiên hơn khi đầu mối từng tư vấn nhiệt tình trước đó đã có câu trả lời đầy thách thức: “Cảm ơn anh vì đã bị LỪA!”

Cách trả lời đầy thác thức của trang bán hàng lừa đảo qua Facebook

Không đặt, vẫn bị giao hàng lừa đảo, kiểu một kẹp giấy đổi 79.000 đồng

Trong tháng 1-2019, Báo ANTĐ đã liên tiếp ghi nhận và phản ánh về các trường hợp khiếu nại đối với dịch vụ vận chuyển hàng SenGo của Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo).

Trong đó, có 4 trường hợp cụ thể được ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên, với cùng một hoàn cảnh: Họ không có tài khoản mua bán trên Sendo hay SenGo, không đặt hàng nhưng lại nhận được bưu phẩm gửi qua SenGo, ghi chính xác thông tin cá nhân (Họ tên/biệt danh, số điện thoại, địa chỉ cụ thể). Do người giao hàng tới vào giờ hành chính, nên những người này không ở nhà, người thân của họ trả tiền và nhận thay. Khi về, họ mở bưu phẩm ra thì phát hiện bên trong là những món đồ có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền đã thanh toán (như giao một chiếc kẹp giấy, ghi là "phụ kiện thời trang", thu 79.000 đồng). Lúc họ liên lạc với đầu mối gửi ghi trên phiếu giao nhận thì không thể liên lạc được (số điện thoại không có người nghe, địa chỉ sai).

Từ sự việc "chiếc kẹp giấy giá 79.000 đồng", một loạt vụ việc gây bức xúc tương tự liên quan tới SenGo đã được "lộ sáng"

Khi khiếu nại sự việc với SenGo và Sendo, các nạn nhân bị lừa đều cho biết, họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng, khi Sendo nói rằng, họ cần phải tự liên hệ với phía bán – dù việc liên hệ này không thực hiện được.

Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc, yêu cầu Sendo giải trình. Cách giải quyết của công ty phụ trách sàn giao dịch thương mại điện tử này khiến các nạn nhân không thỏa mãn: Không thể xác định đối tượng gửi hàng là ai, tại sao chúng có thông tin địa chỉ của những người không đặt hàng…

Phía Sendo cũng cho biết trong văn bản giải trình rằng “đã hoàn trả toàn bộ tiền mua hàng” cho các nạn nhân bị lừa, song phải vài ngày sau, họ mới nhận được số tiền này.

Ngày 11-1-2019, Báo ANTĐ đã gửi công văn đề nghị Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ phản hồi về các vấn đề đã nêu, song đã hơn 10 ngày trôi qua, Sendo vẫn chưa hồi đáp, và cũng chưa liên lạc lại với PV như đã hứa hẹn.

*****

Khi có những trải nghiệm mua sắm trực tuyến không như ý muốn, người tiêu dùng gần như chẳng thể làm gì để giải tỏa sự bức xúc, ức chế của họ. Số tiền bị coi như “học phí rút kinh nghiệm” mà người mua hàng bỏ ra có thể không lớn, nhưng niềm tin mà họ dành cho thương mại điện tử thời 4.0 chắc chắn đã bị sứt mẻ rất nhiều!