- Cú lừa "siêu lợi nhuận" đầu năm: Một chiếc kẹp giấy, đổi… 79.000 đồng
- Cận cảnh những món đồ lừa đảo "siêu lợi nhuận" kiểu... một kẹp giấy đổi 79.000 đồng
- Vụ lừa đảo "siêu lợi nhuận" kẹp giấy 79.000 đồng: Cơ quan quản lý vào cuộc!
Trong thời gian qua, Báo ANTĐ đã liên tiếp ghi nhận và phản ánh về các trường hợp khiếu nại đối với dịch vụ vận chuyển hàng SenGo của Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo).
Trong đó, có 4 trường hợp cụ thể được ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên, với cùng một hoàn cảnh: Họ không có tài khoản mua bán trên Sendo hay SenGo, không đặt hàng nhưng lại nhận được bưu phẩm gửi qua SenGo, ghi chính xác thông tin cá nhân (Họ tên/biệt danh, số điện thoại, địa chỉ cụ thể). Do người giao hàng tới vào giờ hành chính, nên những người này không ở nhà, người thân của họ trả tiền và nhận thay. Khi về, họ mở bưu phẩm ra thì phát hiện bên trong là những món đồ có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền đã thanh toán (như giao một chiếc kẹp giấy, ghi là "phụ kiện thời trang", thu 79.000 đồng). Lúc họ liên lạc với đầu mối gửi ghi trên phiếu giao nhận thì không thể liên lạc được (số điện thoại không có người nghe, địa chỉ sai).
Việc một chiếc kẹp giấy được ghi nhãn là "phụ kiện thời trang" và giao với giá 79.000 đồng cho thấy lỗ hổng dễ dàng đi lọt qua dịch vụ SenGo
Khi khiếu nại sự việc với SenGo và Sendo, các nạn nhân bị lừa đều cho biết, họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng, khi Sendo nói rằng, họ cần phải tự liên hệ với phía bán – dù việc liên hệ này không thực hiện được.
Ngày 9-1-2019, PV Báo ANTĐ đã cung cấp thông tin của các vụ việc tới Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Thương), để đề nghị xem xét. Sau đó một ngày, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã gửi công văn số 26/TMĐT-QL tới Công ty Công nghệ Cổ phần Sen Đỏ, yêu cầu phía Sendo phối hợp xác minh và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến người bán/gian hàng có liên quan, cũng như có biện pháp xử lý đối với những trường hợp mà Báo ANTĐ đề cập, và gửi văn bản giải trình về Cục trước ngày 16-1.
Một món hàng lừa đảo kiểu "siêu lợi nhuận" khác được gửi tới người... không đặt hàng
Đến thời điểm chót (ngày 16-1), Sendo đã có văn bản giải trình gửi Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số. Tuy nhiên, nội dung phản hồi này cho thấy, cơ chế quản lý của dịch vụ SenGo đối với các chủ thể gửi hàng là rất lỏng lẻo, có mâu thuẫn, mà phía Sendo chưa lý giải được.
Trong đó, phía Sendo đã liệt kê 4 trường hợp bị lừa mà Báo ANTĐ đã phản ánh, với ngày giờ đặt hàng chi tiết. Trong đó, các chủ thể gửi hàng lừa đảo đều ghi địa chỉ ở Thái Nguyên, và đều chưa chứng thực số Chứng minh nhân dân (CMND).
Cách xử lý của Sendo đối với cả 4 trường hợp được phản ánh đều là hoàn trả tiền mua hàng, đình chỉ gian hàng và cá nhân đăng ký lừa đảo, đưa thông tin số điện thoại và địa chỉ của người bán vào danh sách cấm kinh doanh vô thời hạn trên Sendo...
Câu trả lời của Sendo cho thấy lỗ hổng quản lý lớn của công ty này với dịch vụ chuyển hàng SenGo
Tuy nhiên, các xử lý nói trên đã bộc lộ rõ những lỗ hổng trong việc quản lý các chủ thể kinh doanh qua sàn SenGo của Sendo. Cụ thể:
Thứ nhất, phía Sendo vẫn chưa xác định được thực sự các chủ thể thực hiện hành vi lừa đảo qua dịch vụ vận chuyển SenGo của họ là ai, bởi thông tin liên hệ mà Sendo nắm giữ không chính xác (số điện thoại không liên lạc được, địa chỉ không đúng).
Thứ hai, mặc dù danh tính chủ thể gửi hàng mơ hồ, song những kẻ lừa đảo này vẫn có thể đặt lệnh để SenGo thực hiện việc chuyển hàng theo yêu cầu. Điều đó khiến dư luận đặt ra trường hợp kẻ xấu có thể lợi dụng dịch vụ này để gửi hàng cấm, hàng nguy hiểm...
Thứ ba, Sendo cho rằng chủ thể gửi hàng chưa chứng thực CMND thì chưa thể rút tiền qua ví SenPay do Sendo quản lý, và số tiền thu về của những chủ thể bất minh đều đã bị phong tỏa. Nhưng thực tế, các trường hợp bị lừa đã phản ánh sự việc với Sendo, và không hề được hỗ trợ, hoàn tiền, cho tới khi báo chí vào cuộc.
Bên cạnh đó, nếu chủ thể lừa đảo không chứng thực CMND, không rút được tiền ra thì tại sao trong khoảng 1 tháng vừa qua, những đơn hàng kỳ lạ kiểu "kẹp giấy đổi 79.000 đồng" vẫn liên tục được gửi đi?
Những vấn đề và câu hỏi nói trên vẫn chưa được Sendo lý giải trong công văn giải trình gửi Cục TMĐT và KTS.
Những bất thường của loạt đơn hàng lừa đảo "siêu lợi nhuận" qua SenGo vẫn chưa được Sendo trả lời thỏa đáng
Ngay khi phát hiện sự việc, PV Báo ANTĐ đã liên hệ với Sendo và được hẹn "sẽ liên lạc lại", song tới giờ, công ty này vẫn chưa thực hiện.
Ngày 11-1-2019, Báo ANTĐ đã gửi công văn đề nghị Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ phản hồi về các vấn đề đã nêu, và hiện vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Báo ANTĐ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc tới độc giả.