Bi kịch cô dâu Hàn Quốc: Chồng bị trầm cảm và làm ăn không thành công

ANTĐ - Ở Hàn Quốc đã có sự thay đổi thái độ về hôn nhân với người nước ngoài. 
Bi kịch cô dâu Hàn Quốc: Chồng bị trầm cảm và làm ăn không thành công ảnh 1

Nếu như trong vài thập kỷ trước, hôn nhân với người nước ngoài bị coi là đáng bị khiển trách, thì bây giờ lại không bị lên án. Hơn nữa, đã xuất hiện tình trạng bất bình thường khi những người vợ nước ngoài lấy các ông chồng Hàn Quốc bị bệnh trầm cảm và làm ăn không thành công. 

Theo tất cả tài liệu tham khảo, bán đảo Triều Tiên được gọi là nhà nước đơn chủng tộc. Cho đến gần đây, định nghĩa này vẫn hoàn toàn phù hợp, bởi vì trên thực tế hầu như không có dân tộc thiểu số trên bán đảo Triều Tiên, ngoại trừ một vài cộng đồng Trung Quốc sống ở hai miền. Tuy nhiên, giờ đây, Hàn Quốc đang chuyển đổi thành một Nhà nước đa quốc gia với 1.797.000 người nước ngoài, chiếm 3,5 % dân số (tính đến cuối 2014). 

Người nước ngoài nhập cư vào Hàn Quốc có hai nhóm: người lao động nước ngoài không có tay nghề (lao động nhập cư, hiện có trên một triệu người) và vợ ngoại quốc. Với việc dễ dàng thuê mướn nhân công, tiền lương khá cao theo tiêu chuẩn của Châu Âu, Hàn Quốc là nguồn thu hút công dân các quốc gia láng giềng Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Uzbekistan.

Lao động nhập cư tại Hàn Quốc làm việc ở những nơi dân địa phương không làm, họ làm việc tạm thời, mặc dù một số trong số họ có thể ở lại Hàn Quốc vĩnh viễn. Nó khác với những người nhập cư là vợ nước ngoài của công dân Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những nước đứng đầu thế giới về hôn nhân với người nước ngoài với tỷ lệ 1/10 trong 10 năm qua. Theo một thống kê năm 2013, khoảng 2/3 hôn nhân có yếu tố nước ngoài là với phụ nữ các nước ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á như: Trung Quốc (33,1 %), Việt Nam (31,5%), Philippines (9,2 %), Campuchia (4,0 %)…

Trong hầu hết các nước trên thế giới, hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường được tổ chức ở các khu vực phát triển nhất, nhưng ở Hàn Quốc lại tập trung vào vùng kém phát triển nhất. Vùng phía Tây Nam Hàn Quốc có tỷ lệ vượt quá mức trung bình là 20%. Đây là khu vực nông dân xa xôi hẻo lánh, có nguyên nhân do hầu hết phụ nữ trẻ rời bỏ làng quê ra đi, trong khi đàn ông ở lại kế thừa và làm ăn trên đất đai của tổ tiên. Kết quả là bị thiếu hụt nghiêm trọng phụ nữ tuổi thành hôn. Nhiều người độc thân, nhất là những người có ít cơ hội lấy vợ Hàn Quốc như nghiện rượu, lười biếng, sức khỏe yếu… rất cần trợ giúp của cơ quan dịch vụ để tìm cô dâu nước ngoài. 

Thời gian đầu khi bùng nổ hôn nhân hỗn hợp, hầu hết là các bà vợ theo “đơn đặt hàng” từ Trung Quốc, trong đó chủ yếu vùng Mãn Châu, nơi có nhiều người Triều Tiên thiểu số, nhằm giữ truyền thống văn hóa, tiếng mẹ đẻ và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống Hàn Quốc. Tuy nhiên, nông dân Hàn Quốc lại sớm thất vọng trước tình trạng vợ Trung Quốc gốc Triều khi có hộ chiếu Hàn Quốc lập tức ly hôn và mất tích.

Vì vậy, hiện nay nguồn cung cấp cô dâu chủ yếu là từ Việt Nam đặc biệt phổ biến từ khu vực phía Nam (chiếm 78%). Các văn phòng môi giới Hàn Quốc thường trưng bày áp phích, tài liệu về lợi thế khác nhau của phụ nữ Việt được coi là hình mẫu về yêu lao động, chịu nhẫn nhịn và quan trọng nhất là họ không bỏ chồng sau khi có hộ chiếu.

Số lượng hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc đã đạt 200 nghìn. Tuy nhiên, 40% ly dị và kết hôn một lần nữa với sự lựa chọn có ý thức, sự hiểu biết về điều kiện địa phương. Hệ quả tự nhiên của hôn nhân như vậy là hiện có gần 300.000 trẻ em có nguồn gốc hỗn hợp đang gặp vấn đề về nuôi dưỡng, dạy dỗ do không biết tiếng Hàn Quốc và bị kỳ thị. Do báo chí lên tiếng, gần đây số lượng hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Đáng chú ý là, thái độ đối với người nhập cư là một trong số ít những vấn đề mà các chính trị gia Hàn Quốc không có sự khác biệt. Cả cánh hữu và cánh tả đều chung ý kiến cho rằng người nhập cư là một lựa chọn thay thế khi dân số đang già đi nhanh chóng và những người vợ nước ngoài là nguồn lực đáng kể cho sự đồng hóa với người Hàn Quốc. Nhìn chung, Hàn Quốc  trở thành một quốc gia đa dân tộc và các nhà chức trách nước này vừa khuyến khích vừa kiểm soát quá trình này.